Bộ Công Thương cho biết, Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 (Luật số 19/2000/QH10 ngày 9/6/2000) và năm 2008 (Luật số 10/2008/QH12 ngày 3/6/2008).
Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tổng kết thi hành Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008. Theo đó, các vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như sau:
Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các VBQPPL dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp, như:Chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại.Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ).
Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Cụ thể,các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) (công ty 100% vốn của PVN) phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có quy định chưa đồng bộ với Luật Dầu khí về các bước phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Bên cạnh đó, một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan.
Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí mới để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Thời gian hợp đồng dầu khí được kéo dài thêm 5 năm so với quy định hiện hành
Về nội dung cơ bản, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực). Đồng thời, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác), các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Các nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau:
Về điều tra cơ bản về dầu khí: Đây là nội dung mới được bổ sung so với Luật Dầu khí hiện hành làm cơ sở thực hiện việc đánh giá tổng quan tiềm năng dầu khí làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, được xây dựng trên cơ sở tham khảo Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan. Cụ thể gồm 3 điều:
Nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phù hợp với quy hoạch được duyệt. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hợp tác với PVN để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 8).
Quy định một số nội dung chính điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 9).
Quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 10).
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; quản lý và sử dụng các mẫu vật, số liệu, thông tin thu được trong quá trình điều tra cơ bản về dầu khí do Chính phủ quy định.
Về hợp đồng dầu khí: Các các điều khoản liên quan đến hợp đồng dầu khí đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung (có tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia...) bảo đảm linh hoạt, hấp dẫn hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu, nhà đầu tư tham gia, đồng thời giải quyết một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động dầu khí, cụ thể:
Thời gian hợp đồng dầu khí được kéo dài thêm 5 năm so với quy định hiện hành và thống nhất thời hạn hợp đồng đối với việc khai dầu và khai thác khí. Theo đó, thời hạn của hợp đồng dầu khí là 30 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 35 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí), trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí 5 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 10 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí); thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm (Điều 31).
Bổ sung quy định việc đề xuất đầu tư bổ sung tận thăm dò dầu khí nhằm duy trì, gia tăng sản lượng, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí của nhà thầu giai đoạn cuối đời mỏ và ưu tiên ký kết hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký kết kết thúc (Điều 31).
Bổ sung quy định về diện tích đối với một hợp đồng dầu khí có thể gồm nhiều lô dầu khí phù hợp với tình hình thực tế (Điều 32).
Bổ sung quy định mức thu hồi chi phí đối với các hợp đồng dầu khí áp dụng cho đối tượng lô, mỏ đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí và đối tượng đặc biệt khác (lô, mỏ cận biên tại điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí, khai thác tận thu dầu khí, dầu khí phi truyền thống) (Điều 33)...