Ngày 1/11 giờ địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với ông Chris Philp, Bộ trưởng phụ trách công nghệ và kinh tế số, Bộ Số - Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh (DCMS) tại trụ sở của DCMS, Thủ đô London, Vương quốc Anh.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã chia sẻ các định hướng chiến lược, chương trình, đề án quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số của mỗi nước, các sáng kiến và chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế số. Hai bên cũng trao đổi các khả năng mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý về chuyển đổi số, kinh tế số, kết nối doanh nghiệp số, cùng xây dựng và tổ chức triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ Chương trình đối tác số Anh - ASEAN, Mạng lưới thương mại số Châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Chris Philp giới thiệu kế hoạch triển khai sáng kiến mở rộng hợp tác phát triển kinh tế số với châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, thông qua Chương trình Hợp tác Đổi mới sáng tạo số giữa Anh - ASEAN; Chương trình hỗ trợ ASEAN triển khai nền tảng thương mại số; tiêu chuẩn và khung kiến trúc xây dựng thành phố thông minh…
Nhân cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chris Philp đã ký Ý định thư về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số giữa Bộ TT&TT Việt Nam và DCMS.
Ý định thư ghi nhận mục tiêu chung của các bên, gồm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế số, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp số hai nước, cùng khai thác cơ hội hợp tác sâu hơn trong tương lai về công nghệ số; và hợp tác triển khai sáng kiến Mạng lưới Thương mại số châu Á - Thái Bình Dương, đối tác Đổi mới sáng tạo số ASEAN - Anh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng có buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp công nghệ Vương quốc Anh (TechUK) và Hội đồng kinh doanh Anh-ASEAN (UKABC).
Tại đây, TechUK và UKABC đã giới thiệu các kế hoạch, sáng kiến phát triển cộng đồng doanh nghiệp số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo số, xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp số, cũng như các chương trình hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác với các nước và khu vực, nhất là châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hợp tác giữa các doanh nghiệp số hai nước còn nhiều tiềm năng và cần được đẩy mạnh hơn nữa, với vai trò hỗ trợ, kết nối của cả cơ quan quản lý và các Hội liên quan ở hai nước.
Từ năm 2022, Bộ TT&TT Việt Nam sẽ xem xét triển khai các Diễn đàn số Việt-Anh, các chương trình xúc tiến đầu tư, hội thảo chuyên đề để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và hợp tác trong các dự án về kinh tế số, chuyển đổi số.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xác định quan điểm kinh tế số, chuyển đổi số là khâu đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là động lực tăng trưởng mới mà còn thể hiện ý chí khát vọng phát triển đất nước.
Đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Điểm sáng được Ngân hàng Thế giới ghi nhận là 60% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp hơn 2.000 thủ tục trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Nắm bắt cơ hội mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định kinh tế số là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.
Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ lệ khoảng 20% GDP, và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030. Thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực số cho doanh nghiệp và các hoạt động tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số đã được tổ chức. Từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất về công nghệ số, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Lộ trình chuyển đổi số bài bản cũng được khởi động khi lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.