Hoạt động công khai trong mùa dịch
Từ cuối tháng 4/2021, Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng, đóng cửa hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như quán bar, karaoke, Internet, game, spa, thẩm mỹ để đảm bảo cho việc phòng chống dịch Covid-19.
Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, thẩm mỹ Hoàng Tuấn có trụ sở chính tại Ngõ 487 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm của TP.
Trong vai khách hàng có nhu cầu đến thẩm mỹ Hoàng Tuấn để chăm sóc da mặt, chúng tôi được nhân viên tư vấn rất nhiệt tình, chu đáo về các dịch vụ làm đẹp tại đây. Khi chúng tôi tỏ ý e ngại về vấn đề dịch bệnh, ngay lập tức bạn nhân viên tư vấn này nói: Chị yên tâm, bên em có khai báo y tế online và có buồng khử khuẩn nên chị hoàn toàn yên tâm bên em cũng giới hạn lượng khách ra vào.
Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, thẩm mỹ Hoàng Tuấn chỉ kê khai y tế qua loa ngoài cửa rồi khách hàng vào sử dụng dịch vụ, không có các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở thẩm mỹ, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bùng phát, và lây lan trong cộng đồng.
Mặc dù vẫn chưa có lịch mở cửa trở lại các dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ, spa nhưng thẩm mỹ Hoàng Tuấn vẫn ngang nhiên hoạt động như vậy là vi phạm quy định về phòng, chống dịch của Thành phố. Trước sự ngang nhiên hoạt động, thách thức dư luận cũng như pháp luật, phóng viên đặt ra câu hỏi rằng ai là người cho phép cơ sở này vẫn mở cửa đón khách, trong khi chưa có văn bản các dịch vụ này được phép hoạt động trở lại?
Webiste thương mại điện tử chưa thông báo với Bộ Công thương
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lí Website Thương mại điện tử có nêu rõ: Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Trang thông tin thương mại điện tử bán hàng là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Nhưng theo tìm hiểu, website drhoangtuan.vn là website thương mại điện tử cung ứng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp tới khách hàng, website này thuộc trường hợp phải thông báo với Bộ Công thương theo quy định. Các website vệ tinh khác của thẩm mỹ này cũng chưa thông báo theo đúng quy định.
Ngoài ra, thẩm mỹ này đang có dấu hiệu hoạt động “chui” khi các giấy tờ liên quan đến pháp lý đều không có trên hệ thống dịch vụ công của các cơ quan liên quan. Cụ thể như phóng viên tìm hiểu về giấy phép đăng kí kinh doanh, mã số thuế đều không có thông tin của cơ sở thẩm mỹ Hoàng Tuấn. Trên hệ thống tra cứu dịch vụ công về quản lí, hành nghề khám chữa bệnh của Sở Y tế Hà Nội cũng không có thông tin về thẩm mỹ này.
Một số các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da mặt, nha khoa thẩm mỹ cơ sở thẩm mỹ này không công khai chi phí dịch vụ với khách hàng theo quy định của nhà nước.
Trên website drhoangtuan.vn, trên kênh youtobe hay tại fanfage Facebook tất cả đều được cho là của Thẩm mỹ Hoàng Tuấn thường xuyên xuất hiện những video, hình ảnh quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ như dịch vụ nâng ngực, nâng mông, bơm mỡ tự thân... nội dung quảng cáo này được cho là thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa, gây phản cảm gây bức xúc cho nhiều người xem.
Theo Khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 có quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo gồm: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Do vậy, thẩm mỹ Hoàng Tuấn sử dụng hình ảnh phản cảm, lộ liễu của khách hàng để quảng cáo dịch vụ, thu hút người xem đều là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước đó vào tháng 8/2018, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động tại thẩm mỹ viện Hoàng Tuấn và phát hiện cơ sở này quảng cáo quá phạm vi cho phép nên đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng. Đến nay, Thẩm mỹ viện này vẫn ngang nhiên quảng cáo thách thức dư luận và cơ quan chức năng.
Để tìm hiểu khách quan, đa chiều về những vấn đề này, Tạp chí Kinh tế tập đoàn đã gửi nội dung làm việc đến Thẩm mỹ Hoàng Tuấn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Trước sự ngang nhiên coi thường pháp luật về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo hay thủ tục pháp lý của cơ sở thẩm mỹ chưa đúng với quy định của pháp luật, cơ quan chức năng đã có những biện pháp nào để ngăn chặn, xử phạt khi các thẩm mỹ vi phạm? Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả ở số báo tiếp theo!