Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhiều người phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thất nghiệp, mất việc làm… Để giải quyết khó khăn trước mắt, một số người đã tìm thông tin vay tiền trên mạng.
Để trang trải chi phí cuộc sống, nhiều người không am hiểu kiến thức đã tiếp cận các thông tin cho vay tiêu dùng qua app thông qua zalo hay mạng xã hội khác.
Phổ biến nhất là chiêu thức giả mạo mục đích hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, nhận tiền hỗ trợ. Các đối tượng lừa đảo sau đó lấy thông tin cá nhân của các nạn nhân để thực hiện hàng loạt hồ sơ vay vốn nhằm chiếm đoạt tiền giải ngân từ các công ty tài chính. Hình thức này diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi trình độ dân trí còn thấp.
Cụ thể, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tiếp cận người nghèo, nông dân không biết chữ để “vẽ” ra các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi hay tiền của các tổ chức từ thiện. Muốn lấy được các khoản tiền này thì người dân phải đưa các thông tin cá nhân như CMND, CCCD, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh… để các đối tượng đi làm thủ tục nhận tiền.
Tuy nhiên, người dân hoàn toàn không biết rằng, các giấy tờ tùy thân quan trọng của họ đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để làm hồ sơ vay mua trả góp tại các công ty tài chính sau đó mang các sản phẩm mua được bán lấy tiền chia nhau tiêu xài đồng thời cắt luôn liên lạc với các nạn nhân.
Thậm chí, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ những người dân không biết chữ, ít hiểu biết và đưa họ đến các cửa hàng điện máy, trực tiếp ký vào các giấy tờ mà không biết rằng thực chất, đó chính là hợp đồng mua trả góp các thiết bị điện tử, di động. Với hình thức lừa đảo này, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính.
Anh Thanh Tùng (Thanh Xuân – Hà Nội) làm việc cho một đại lý thi công quảng cáo cho biết do dịch bệnh nên công trình ngưng thi công, tiền công chưa được nhận. Trong lúc túng quẫn anh lướt mạng xã hội tìm kiếm cơ hội làm thêm thì thấy nhiều quảng cáo về app vay tiền trực tuyến. Đây là hình thức vay tín chấp, tự giới thiệu với các thủ tục đơn giản cùng cam kết bảo mật, an toàn và giải ngân nhanh chóng. Anh thấy một quảng cáo trên zalo về một app của một công ty tài chính có tên Sanv... và được hướng dẫn sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 10 triệu đồng không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần cung cấp CMND và địa chỉ thường trú cùng tên và số điện thoại người thân.
Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, anh được một nhân viên liên hệ thông báo sẽ giải ngân cho anh vay số tiền 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày nhưng số tiền vay sẽ bị trừ phí 700.000 đồng. Sau khi được giải ngân tiền vay thì anh nhận được thông tin thông báo về số tiền anh sẽ phải trả sau 30 ngày đó là 15.100.000 đồng. Sau khi nhờ một số người tư vấn thì anh mới bị sốc khi biết lãi suất mà công ty này cho anh vay lên đến 51%/1 tháng, tương đương hơn 600%/1 năm. Đó là còn chưa kể bị cộng thêm khoản phí quá cao. Do quá khó khăn tài chính anh vẫn phải cắn răng và hiện nay do vẫn chưa có công việc làm nên đang bị chậm trả nợ và từ đó đến nay, mỗi ngày anh nhận cả chục cuộc điện thoại đòi nợ, yêu cầu trả gốc, lãi cho khoản vay này.
Trước vấn nạn này, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân cần tuyệt đối bảo mật các giấy tờ và thông tin cá nhân, tránh để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Cần kiểm chứng các thông tin quảng cáo, cho vay trên mạng xã hội nhằm tránh sập bẫy các chiêu trò dụ dỗ nhận tiền ủng hộ COVID-19 mà trao giấy tờ tùy thân hoặc cung cấp thông tin cá nhân, bạn bè, người thân cho các đối tượng lừa đảo.
Các công ty tài chính tiêu dùng cũng liên tục phát đi cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những lời đề nghị đáng ngờ như hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nhận tiền trợ cấp xã hội, tiền từ thiện…từ các tổ chức không được cấp phép hoạt động chính thống. Qua đó, giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.
Chuyên gia tín dụng của một ngân hàng, cho biết muốn vay vốn thì khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm hồ sơ, ký hợp đồng tín dụng mới được giải ngân. Ngân hàng không nhận hồ sơ vay qua các trang mạng xã hội, đồng thời cũng không yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán các khoản phí nào trước khi giải ngân.
Chuyên gia cũng cho biết hiện nay, do dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn nên nhu cầu vay tiêu dùng với những khoản tiền nhỏ (dưới 50 triệu đồng) rất lớn. Cho nên lợi dụng vào nhu cầu cấp thiết cần tiền ngay của người dân, một số đối tượng đã lợi dụng để tư vấn, lôi kéo nhằm lừa người vay tiền.
Các đối tượng lừa đảo lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm thông tin những người đang có nhu cầu vay tiền, từ đó tìm đủ mọi cách để dụ dỗ. Để không bị lừa đảo, trước khi đi vay tiền ở bất cứ đâu, người vay phải tự đặt ra câu hỏi: Người này là ai, đang làm cho ngân hàng nào, chi nhánh và phòng giao dịch ở đâu?… để khi gặp sự cố thì cũng có một địa chỉ tìm đến để yêu cầu xác minh thông tin.
Thói quen dễ dàng gửi thông tin cá nhân (CMND, CCCD, mã OTP) của mình cho người khác cũng là điểm yếu để nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, người dân nên lưu ý nguyên tắc làm việc “người thật, việc thật” trong các giao dịch để tránh bị lừa đảo.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu tài chính trở nên cấp bách, người dân sẽ thiếu cảnh giác mà cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu, từ đó bị lợi dụng. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo chủ động bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo. Không cung cấp, cho mượn/thuê hoặc mua bán thông tin cá nhân cho cho bất kỳ ai nếu thật sự không cần thiết để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân quan trọng và sử dụng trái phép.