Thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Công văn số 11633/VPCP-KTTH ngày 29/18/2018 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Trên thực tế, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp. Tất cả các hình thức này đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hiện nay, các cơ quan quản lý đang ở mức độ tuyên truyền, đưa ra những cảnh báo với nhà đầu tư. Cụ thể, trong phiên họp báo Chính phủ mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - Bộ Tài chính đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban, trong đó khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Cơ quan này cũng đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.
Sau khi được thành lập, Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan. UBCKNN, đơn vị được giao chủ trì Tổ nghiên cứu, cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu có thể đưa ra những đề xuất ban đầu đối với vấn đề quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.
Mới đây, Công an thành phố Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào các kho ứng dụng App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn (như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An...)
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhìn chung các sàn giao dịch này thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).
Bộ Tài chính khẳng định, hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
Tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.