Bắc Ninh tập trung đổi mới và phát triển kinh tế tập thể

Sơn Hải

27/10/2021 14:43

Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” để thúc đẩy thành phần kinh tế này đổi mới, phát triển. Sau khi Nghị quyết này được ban hành, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã.

Kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng trong trong nền kinh tế hiện nay. Sau khi Nghị quyết số 13 được ban hành, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã(HTX). Đồng thời xây dựng Chương trình hành động, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong thời kỳ mới.

Chương trình hành động của tỉnh Bắc Ninh đã bám sát mục tiêu Nghị quyết số 13 và đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng HTX kiểu mới. Nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn; gắn nhiệm vụ phát triển HTX với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng Nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết. Hằng năm, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Ninh phối hợp thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 13, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Luật HTX và các văn bản khuyến khích phát triển HTX cho cán bộ, hội viên, thành viên của các HTX, tổ hợp tác, trang trại và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tổ chức rà soát, kiểm tra nắm tình hình phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố và định hướng phát triển kinh tế tập thể. Từng bước đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp và các thành viên quản trị HTX.

1

Trồng củ cải đường xuất khẩu tại HTX Nông nghiệp Mỹ Linh tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: baobacninh)

Để thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, tỉnh Bắc Ninh vận dụng và thực hiện tối đa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về các chính sách như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới HTX,  Liên hiệp HTX; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX…Năm 2012, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Ninh được thành lập với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giải quyết được hơn 800 lượt HTX vay vốn với tổng số vốn vay luân chuyển là trên 290 tỷ đồng. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về nguồn vốn đối với các HTX.

Sau 20 năm tỉnh Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết số 13 và gần 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 690 HTX hoạt động trên các lĩnh vực. Trong đó, 542 HTX nông nghiệp (chiếm 78,5%);  61 HTX CN - TTCN (chiếm 8,8%); 2 HTX xây dựng (chiếm 0,3%); 29 HTX Giao thông vận tải (chiếm 4,2%); 27 HTX Thương mại - Dịch vụ (chiếm 3,9%); 4 HTX Vệ sinh môi trường (chiếm 0,6%); 26 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 3,8%).

Trong gần 10 năm thi hành Luật HTX 2012, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập mới được 364  HTX. Tổng số thành viên HTX hơn 91.000 người, số lao động làm việc thường xuyên là gần 5.500 người; doanh thu bình quân của HTX đạt 870 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân của 1 HTX ước đạt 380 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX ước đạt 60 triệu đồng/thành viên. Năm 2021 các HTX có bình quân vốn điều lệ từ 800 – 1,2 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với 2001). Các HTX thực sự là tổ chức sản xuất cho người dân, hợp tác, liên kết giúp kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo quy mô số lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa lớn tham gia thị trường, tạo dựng được mối liên kết trong sản xuất kinh doanh.

Một trong những kết quả nổi bật của kinh tế tập thể, HTX là tổ chức triển khai hiệu quả Luật HTX năm 2012. Nhiều mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi đã hoạt động hiệu quả, tạo ra bước đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực kinh tế tập thể. Hiệu quả của mô hình HTX ngoài  lợi ích kinh tế là tinh thần tương trợ, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất giữa các thành viên HTX, trở thành phương thức sản xuất phổ biến tất yếu.

Các HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tận dụng sang hình thức chăn nuôi tập trung theo HTX. Nhiều giống vật nuôi mới đưa vào sản xuất và lai tạo, tạo ra các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại đang được áp dụng rộng rãi vào sản xuất cho hiệu quả cao, điển hình là công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; các công nghệ sinh học trong phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản...

1a

HTX thủy sản Trường Mạnh xã Mão Điền huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh áp dụng VietGap nuôi cá lồng (Ảnh TL)

Đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp đã có sự thay đổi về chất. Thành viên tham gia HTX mới không giới hạn về địa giới hành chính. Đội ngũ cán bộ HTX được tinh giản gọn nhẹ. Trình độ của cán bộ HTX được nâng lên, nhiều cán bộ HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có khả thi. Nhiều HTX đã tổ chức được các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đầu vào đến quá trình sản xuất và khâu tiêu thụ nông, sản phẩm cho các thành viên HTX. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hỗ trợ xây dựng kho lạnh, nhà màng, nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap…Rõ ràng, mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và thị trường. Tiềm năng, nội lực được cải thiện, nhất là trình độ quản lý, khoa học công nghệ; đảm nhiệm được vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái có cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực phi nông nghiệp như công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ, tín dụng… Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về quy mô, chất lượng, tổ chức sản xuất đa dạng ngành nghề và có liên kết với doanh nghiệp, chuỗi giá trị thị trường trong nước.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, phong trào kinh tế tập thể, HTX đang được khẳng định trong nền kinh tế quốc dân. Vai trò KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, từng bước giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Ninh tập trung đổi mới và phát triển kinh tế tập thể" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin liên hệ vui lòng gửi qua email: info.saigondaily2022@gmail.com