Tuyên ngôn Độc lập - Tinh thần, khát vọng và văn minh Việt

PGS, TS. Phạm Hồng Chương

02/09/2021 10:00

Cách nay 76 năm (1945 - 2021), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới rực rỡ trong lịch sử của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hướng đến phồn vinh, hạnh phúc.

Tinh thần độc lập, tự do của dân tộc ta đã được tích lũy trong hàng ngàn năm lịch sử để hồi sinh một quốc gia tự chủ, độc lập. Trong tiến trình đó, cha ông chúng ta đã viết nên những bản Tuyên ngôn Độc lập bằng máu của mình. Từ “Nam quốc sơn hà” đến “Bình Ngô đại cáo”… đã khắc vào lịch sử điều thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, đó là tinh thần độc lập, tự do. Toàn bộ tinh thần ấy được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đã hội tụ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tỏa sáng bởi bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo. Dân tộc Việt Nam đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta trước toàn nhân loại bắt đầu từ Tuyên ngôn Độc lập tái sinh Tổ quốc Việt Nam sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Tư Liệu

Ra đời trong điều kiện lịch sử đó, Tuyên ngôn Độc lập vừa là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám vừa là thành quả của quá trình tranh đấu anh dũng của nhân dân ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Do đó, Tuyên ngôn không chỉ chứa đựng tinh thần của dân tộc mà còn biểu thị khát vọng hàng đầu của dân tộc ta về quyền của dân tộc và con người Việt Nam. Tinh thần và khát vọng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 4, tr.3).

Không chỉ làm sáng tỏ tinh thần và khát vọng Việt về độc lập, tự do, Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện rõ văn minh Việt trong thực hiện khát vọng đó trước nhân loại, khi dân tộc Việt Nam đứng về phía văn minh, nhân danh văn minh để giành độc lập, tự do và xây dựng, phát triển xã hội văn minh để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, con người Việt Nam và nhân loại.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh những giá trị tinh thần, khát vọng thiêng liêng và văn minh của dân tộc ta mà còn chứa đựng những giá trị chung của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên ngay từ đoạn mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dẫn nguyên văn một đoạn mang nội dung tư tưởng cơ bản nhất của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và bản Tuyên ngôn cũng dẫn nguyên văn sau đây trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1781: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Sự thừa nhận và kết hợp hài hòa đó trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã đưa dân tộc Việt Nam hội nhập vào thế giới hiện đại và đi vào tiến trình phát triển văn minh của loài người.

Từ sự khẳng định các quyền cơ bản và thiêng liêng của con người - đều có sự bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển thành quyền tồn tại trong tự do của mọi dân tộc và nguyên lý dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới, trên cơ sở xác định đó cũng là quyền tạo hóa trao cho các dân tộc. Nội dung này được Hồ Chí Minh đưa ra như một lẽ tự nhiên: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Như vậy, sự bình đẳng với quyền tồn tại, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc không chỉ dừng lại ở quyền cá nhân con người mà được phát triển thành quyền cộng đồng - quyền dân tộc - trong đó tất cả các dân tộc không phân biệt chủng tộc, không phân biệt lớn, nhỏ, đều được bình đẳng, đều “có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do” quyết định vận mệnh của mình. Theo đó, Tuyên ngôn Độc lập đã đặt cơ sở pháp lý cho một trật tự thế giới với quan hệ quốc tế mới dựa trên sự tôn trọng quyền dân tộc cơ bản và sự bình đẳng giữa các dân tộc. Đây cũng là tuyên ngôn chỉ rõ biểu thức cho một nền hòa bình trên hành tinh chúng ta, nêu lên tinh thần cho việc xác định những nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau phải dựa trên sự bình đẳng với quyền đầy đủ của các dân tộc. Vì vậy, quyền tự nhiên của dân tộc và pháp lý quốc tế phải được tôn trọng để giải quyết các mối quan hệ quốc tế và là cơ sở hàng đầu để làm cho văn minh thắng bạo tàn cường quyền. Đó là cơ sở cho các dân tộc được sống trong hòa bình với đầy đủ quyền dân tộc tự nhiên của mình.

Có thể nói rằng, tiếp theo hai bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp và Mỹ về quyền con người, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là tuyên ngôn đầu tiên trên thế giới xác định rõ về quyền dân tộc cơ bản từ nền tảng của quyền con người. Điều này nói lên quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của dân tộc không có gì trừu tượng mà rất cụ thể và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Quan điểm này đã được thể hiện trên tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kết hợp giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền và lợi ích con người trong Tuyên ngôn lập nước và được thể hiện trên tiêu chí của Nhà nước ta trở thành mẫu số chung để đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi lẽ, quyền dân tộc và quyền con người không chỉ là khát vọng của mỗi người dân Việt Nam mà còn là nguyện vọng của nhân dân tất cả các dân tộc trên thế giới.

Đó là những biểu hiện tiếp theo của văn minh Việt hàm chứa những giá trị văn minh nhân loại và mang ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập.

Sự kiểm nghiệm trong thực tế những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập với sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và sự tan rã của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới, sự phát triển của phong trào đấu tranh đòi bình đẳng trong quan hệ quốc tế ngày nay chứng tỏ xu thế không gì cản trở được của phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Điều đó càng làm toả sáng giá trị vững bền của tinh thần, khát vọng và văn minh Việt với những giá trị chung của nhân loại thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập.

76 năm đã trôi qua nhưng thực tế cho thấy các nguyên tắc mà Tuyên ngôn Độc lập nêu lên vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Các dân tộc trên thế giới ngày nay vẫn đang tiếp tục đấu tranh cho quyền cơ bản của dân tộc mình. Dù phải lùi bước, phải thay đổi hình thức áp bức bóc lột, nhưng các thế lực đại diện cho trật tự thế giới cũ vẫn không từ bỏ tham vọng và luôn tìm mọi cách để buộc các dân tộc khác phải lệ thuộc dưới các hình thức khác nhau.

Thực tiễn của tình hình quốc tế hiện nay càng chứng tỏ tư tưởng đúng đắn của Tuyên ngôn Độc lập và sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, Đảng ta đang lãnh đạo nhân dân ta nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hướng theo tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, cũng chính là thực hiện cho được tinh thần, khát vọng, văn minh Việt thể hiện từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Mang tinh thần, khát vọng, văn minh Việt của Tuyên ngôn Độc lập vào tương lai là đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến đích của sự hoàn thiện cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên ngôn Độc lập - Tinh thần, khát vọng và văn minh Việt" tại chuyên mục Tiêu điểm. Mọi thông tin liên hệ vui lòng gửi qua email: info.saigondaily2022@gmail.com