Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM, đến 12h ngày 15/7, tại Khu công nghệ cao TP HCM có 70/85 doanh nghiệp đăng ký tiếp tục hoạt động, Khu chế xuất Linh Trung 1 có 13/32 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động, Khu chế xuất Linh Trung 2 có 10/30 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động, Khu công nghiệp Hiệp Phước có 25/159 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động với tổng số 2.595 công nhân.
Còn tại Khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với 8.000/65.000 công nhân.
Riêng một nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận giữ tại chỗ hơn 1.200 công nhân, nhưng sáng 15/7 qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện hàng chục công nhân bị dương tính.
Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó bố trí điều kiện ăn uống tại chỗ vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.
Vì vậy, kiến nghị UBND TP cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng hoạt động) để cung ứng xuất ăn thường xuyên cho DN theo cách Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và các khách sạn cung cấp xuất ăn cho các khu cách ly tập trung.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty đã tổ chức “3T” cho hơn 152 người ở lại nhà máy kể từ 15/7 trong tổng số 200 lao động của công ty.
Việc đáp ứng được ngay quy định tập trung sản xuất, ăn, ngủ tại chỗ, theo ông Thiện, là do “may mắn” vì từ cuối tháng 6 khi dịch diễn biến phức tạp đã xây dựng kế hoạch dự phòng theo hướng này. Ngay sau đó, Q.12 (TP HCM) - nơi công ty đặt nhà máy - cũng có hướng dẫn chi tiết để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung công nhân, đảm bảo phòng chống dịch. Nhờ sự chuẩn bị này nên khi UBND TP HCM ra quy định là công ty “kích hoạt” luôn.
Dù vậy, ông Thiện cũng cho hay, do hàng loạt doanh nghiệp phải thực hiện nên khi công ty chạy mua mùng chụp, quạt máy chỗ nào cũng hết, chỉ có thể bổ sung dần dần. Riêng với các công nhân nữ đang có con nhỏ dưới 3 tuổi hoặc một số công nhân nhà neo đơn, có người bệnh thì phải cho tạm nghỉ ở nhà, nhưng vẫn trả lương.
“Với số người hiện tại mà chúng tôi phải đảm bảo cung ứng mỗi ngày từ 700.000 - 800.000 quả trứng nên chúng tôi phải tăng ca liên tục. Vì thế, việc chuẩn bị lo bữa ăn cho công nhân cũng áp lực hơn, rồi phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động... vừa tốn thêm phí, vừa mất thời gian”, ông Trương Chí Thiện chia sẻ thêm.
Hiện nay bố trí nơi ở tạm thời cho công nhân là khó khăn nhất, do đó hiệp hội kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước.
Số lượng công nhân lớn nên việc lo chuyện ăn, ở sẽ gặp khó khăn, hiệp hội kiến nghị chính quyền và đoàn thể các cấp cần quan tâm và hình thành ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".
Về vận chuyển hàng hóa, hiệp hội cho hay việc giao nhận tại sân bay và tại cảng đều theo lịch trình giờ giấc quy định chuyên ngành. Hải quan giám sát và thông quan theo giờ hành chính. Do vậy quy định chỉ được vận chuyển từ 22h đến 5h sáng là không phù hợp trong sản xuất kinh doanh và logistics.
Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị nên áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo cho các loại hình xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân... để dễ kiểm soát.
Đối với vấn đề xét nghiệm y tế, hiệp hội kiến nghị nếu được huấn luyện cho doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ", doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức test cho công nhân, lấy mẫu gửi y tế và tự nhận kết quả tại doanh nghiệp.
Đồng thời, hiệp hội kiến nghị cần khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng "khu cách ly tạm thời" nhằm chủ động xử lý tình huống phát sinh F0 và F1 ngay trong nhà máy.