Chiều ngày 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết “Chương trình hợp tác giữa Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV” giai đoạn 2021 – 2026. Tham dự và ký kết Chương trình hợp tác có ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Tại lễ ký kết, hai bên thống nhất sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động tham vấn, đóng góp ý kiến về các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc phụ trách; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến xây dựng chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động của hai bên; tư vấn, đánh giá, nghiên cứu hỗ trợ các đề tài, đề án, dự án phục vụ xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp tổ chức các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo hợp tác chuyên gia nhằm phục vụ công tác chuyên môn của hai bên; chia sẻ thông tin, tài liệu nghiên cứu theo quy định; hỗ trợ xây dựng mạng lưới chuyên gia; các hoạt động phối hợp khác khi cần thiết (trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai bên)
Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ xây dựng Chương trình và Kế hoạch hợp tác cụ thể hàng năm, thực hiện có hiệu quả các hoạt động tham vấn khoa học, thu hút sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức và cộng đồng xã hội vào quá trình nghiên cứu, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Sau lễ ký kết đã diễn ra hội thảo "Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam – Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị".
Phát biểu tại buổi lễ, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ để giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; Hoàn thành định canh định cư, bố trí sắp xếp dân cư, ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường… và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việt Nam có 54 thành phần dân tộc; trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chiếm 3/4 diện tích của nước, chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, Trung du phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam bộ.
Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Nhưng, đây cũng là vùng có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, nơi tập trung các xã nghèo, huyện nghèo và người nghèo của cả nước.
Đề cập việc giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đảm bảo quyền sinh kế cho đồng bào DTTS, ông Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: Các cơ quan cần xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS không phải chỉ là có đất, mà là tạo sinh kế bền vững, nơi còn quỹ đất thì có chính sách đủ nguồn lực để thu hồi cấp cho đồng bào, ở những nơi không còn quỹ đât thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn đinh, tạo sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp; quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh (được miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất với thời hạn quy định cụ thể tuỳ theo từng địa bàn); được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn.
Thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì các cơ quan cần rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, đảm bảo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất đai của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trả lại cho địa phương; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao đất sản xuất, cấp Giấy chứng nhân cho các hộ gia đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; hỗ trợ khai hoang tạo quỹ đất sản xuất gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho hộ đồng bào các dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất sản xuất.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, có các giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những ý kiến tâm huyết này cũng góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào DTTS & MN và đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện nhiều chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân ở nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai cho người dân vùng DTTS & MN còn một số bất cập liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học... nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.