Tham dự hội thảo có: TS Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VUSTA, PGS.TS Phạm Bích San - nguyên Phó Tổng Thư ký VUSTA,… Ngoài ra còn có đại diện các phòng, ban cơ quan VUSTA; đại diện một số Liên hiệp hội địa phương; cùng các phóng viên, nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí trực thuộc hệ thống VUSTA…
Tại hội thảo các đại biểu đã có các chia sẻ, trao đổi về những biểu hiện, hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí và tuyên truyền. Từ đó đề ra những giải pháp, góp phần nâng cao đạo đức của nhà báo cũng như trách nhiệm quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí.
Nguyên tắc bất biến trong nghề báo: Không được phép nói sai sự thật
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, báo chí đang phải đối mặt với sự phát triển của mạng xã hội. Công nghệ phát triển tạo ra mạng lưới báo chí công dân rộng khắp cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống. Mặc dù không ngừng đổi mới phương thức hoạt động bám sát sự phát triển công nghệ nhưng sự cạnh tranh là vô cùng khó khăn.
Trước sự cạnh tranh quyết liệt đó cùng với sự tác động của cơ chế thị trường, khó khăn do cơ chế báo chí cùng dịch bệnh đã khiến vấn đề đạo đức báo chí đã trở thành mối quan ngại không nhỏ của ngành báo chí nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Gần đây đã xuất hiện những nhà báo, phóng viên trở thành những “anh hùng bàn phím” chuyên “xào” lại thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng để câu view. Hay một số nhà báo vì những lợi ích cá nhân hay xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau đã sử dụng những thông tin trên mạng xã hội đưa tin sai sự thật, đưa tin không kiểm chứng... gây ảnh hưởng đến việc nhận thức, tiếp nhận và nắm bắt tin tức của công chúng.
Nhà báo Nguyễn Danh Châu - Phó Tổng biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đạo đức báo chí như: Sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế; Thiếu trung thực, không tôn trọng sự thật; Sự thiếu hoàn thiện của cơ chế… Nhưng đặc biệt nhất là do báo chí đang được coi là một thứ quyền lực (Quyền lực thứ tư), bị ảnh hưởng của sự sa sút đạo đức của một xã hội đang phát triển, bị ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường và vì đói nghèo.
Chính vì những lẽ đó, một bộ phận phóng viên, nhà báo đã thỏa hiệp, nắn ngòi bút mưu cầu miếng cơm manh áo và để thỏa mãn cả thứ “quyền lực” mà nghề báo mang cho.
Nhà báo Vũ Xuân Bân, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn hóa và Phát triển cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Dù công nghệ là nhân tố rất quan trọng nhưng đó vẫn chỉ là phương tiện truyền tải nội dung. Linh hồn của các sản phẩm tin, bài, hình ảnh đăng tải trên báo chí vẫn là nhận thức, tư tưởng và đạo đức mà người cầm bút muốn chuyển tải đến người đọc.
Nói về đạo đức trong nghề báo, nhà báo Lê Hồng – VUSTA chia sẻ có 3 nguyên tắc bất biến. Thứ nhất, đó là không được phép nói sai sự thật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi sự thật chỉ có một, những cái "giống như sự thật” thì nhiều. Để làm được điều này, không chỉ tốn nhiều mồ hôi, công sức mà rất cần trí tuệ và kinh nghiệm.
Nguyễn tắc thứ hai, đó là động cơ của tác giả. Không chỉ nghề báo mà tất cả mọi hoạt động trong đời sống xã hội, đều có động cơ, mục đích. Vấn đề nằm ở chỗ, động cơ đó là gì? Tốt hay xấu? Có trong sáng hay không? Một khi động cơ không trong sáng thì việc bẻ cong ngòi bút là khó tránh khỏi.
Và nguyên tắc bất biến thứ ba theo nhà báo Lê Hồng chính là tính chuẩn mực. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người bị phê phán. Sự chuẩn mực ở đây nằm ở sự chừng mực và không đẩy bất cứ ai đến “bước đường cùng".
Sự chuẩn mực còn nằm ở liều lượng thông tin. Phê phán cái xấu nhưng phải biết nâng niu cái tốt. Và sự chuẩn mực không chỉ nằm ở phê phán mà cả trong khen ngợi. Sự tăng bốc quá lời, sai sự thật cũng chính là một “liều độc dược”...
Giữ gìn và nâng cao đạo đức người làm báo
Nhà báo Nguyễn Danh Châu cho rằng để giữ gìn đạo đức người làm báo, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng cường công tác quản lý, ràng buộc về đạo đức nghề báo, bắt đầu từ lãnh đạo cơ quan báo chí. Cần có những quy định cụ thể, chế tài chặt chẽ về việc quy trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý các đơn vị báo chí; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm công tác báo chí… Nếu có thể làm được như vậy thì việc vi phạm đạo đức báo chí sẽ được hạn chế một cách triệt để.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y thì cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi nhà báo. Một nền báo chí càng chuyên nghiệp thì những sai sót vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức càng được hạn chế. Nâng cao tính chuyên nghiệp của nền báo chí trước hết là nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo. Tiếp đến là nâng cao tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, đào tạo báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp trong khâu chỉ đạo và điều hành bộ máy ở các cơ quan báo chí, nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện Luật báo chí hiện nay.
Nhà báo Vũ Xuân Bân đánh giá việc báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của bất kỳ tờ báo, tạp chí nào. Lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, tạp chí, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm. Bên cạnh đó mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam mang tính quyết định để nhà báo luôn có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Đó là kim chỉ nam hành động, là đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông hiện nay.