Vướng mắc trong cấp “sổ đỏ” tại TP.HCM: Kịp thời tháo gỡ

04/11/2021 10:59

Thời gian qua, TP.HCM đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, mạnh dạn phân cấp trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) nhằm khắc phục tình trạng quá tải hồ sơ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh phân cấp

Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, thành phố có nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Kết quả đạt được đã đáp ứng được nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, đảm bảo việc thực hiện các giao dịch về đất đai, là một trong những nguồn vốn tái đầu tư góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Cụ thể, triển khai thi hành Luật Đất đai, từ năm 2014 cho đến hết năm 2020, tổng số hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân khoảng 184.021 hồ sơ; tổng số hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức, doanh nghiệp khoảng 179.465 hồ sơ. Việc cấp Giấy chứng nhận đối với các dự án nhà ở, TP.HCM đã cấp 80.234 Giấy chứng nhận cho 345 dự án nhà ở.

Tính đến tháng 12/2020, TP.HCM đã cấp được trên 1.562.200 Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân (đạt tỷ lệ 98,13%) và 1.514.290 Giấy chứng nhận cho tổ chức (đạt tỷ lệ 92,35%).

dat

TP.HCM đẩy mạnh phân cấp trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Theo UBND TP.HCM, khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo Khoản 1, Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT đã gặp nhiều khó khăn. Theo đó, với số lượng  giao dịch mỗi ngày khoảng từ 250 - 400 hồ sơ, quy trình giải quyết hồ sơ phải luân chuyển qua 3 cấp thực hiện (Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận - huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, Sở TN&MT), nhưng thẩm quyền ký Giấy chứng nhận còn lại một đầu mối, dẫn đến tình trạng hồ sơ quá tải, gây trễ hẹn giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân.

Trước tình hình đó, TP.HCM đã có nhiều giải pháp khắc phục như: vận động người dân khi thực hiện cập nhật trang 4 Giấy chứng nhận; thực hiện ghép các thủ tục khi giải quyết hồ sơ  và đặc biệt là giải pháp ủy quyền. Theo đó, ngày 17/8/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 36 cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố được ký Giấy chứng nhận để giảm bớt 1 cấp (còn 2 cấp).

Tiếp đó, ngày 29/4/2021, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 08 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36, trong đó tiếp tục cho Sở TN&MT được phép ủy quyền cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai được ký Giấy chứng nhận (còn 1 cấp); đồng thời cho phép Sở TN&MT được phép sử dụng con dấu thứ hai trong việc thực hiện nhiệm vụ này để giảm tải việc đóng dấu Giấy chứng nhận tạo điều kiện cho việc thực hiện ủy quyền đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã ủy quyền cho Sở TN&MT ký Giấy chứng nhận cho các tổ chức, doanh nghiệp. Theo UBND TP.HCM, việc ủy quyền này cơ bản giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Theo UBND TP.HCM, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, để đảm bảo đăng ký đất đai bắt buộc theo quy định tại Điều 95, thành phố đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các quận, huyện, phường, xã tổ chức việc kê khai đăng ký bằng nhiều hình thức, phương pháp. Tuy nhiên, việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận chủ yếu theo yêu cầu của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đến nay, còn nhiều trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo kế hoạch, do không có nhu cầu hoặc lo ngại về thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Bên cạnh đó, đa số các hồ sơ chưa được cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc  pháp lý phức tạp hoặc đang bị tranh chấp. Đối với hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, ngoài việc thực hiện theo Luật Đất đai còn chịu nhiều sự điều chỉnh của các luật khác.

Kiến nghị sửa tên Giấy chứng nhận

 Theo UBND TP.HCM, tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” dễ gây ngộ nhận, nhất là trong trường hợp trên đất có kiến trúc nhưng mục đích sử dụng không phải là nhà ở gắn liền với đất ở. Vì vậy, nên đổi thành “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”, còn việc tài sản trên đất có hay không và được sử dụng vào mục đích gì sẽ được thể hiện cụ thể tại những mục ghi trong Giấy chứng nhận.

 Đồng thời, khi ban hành Luật Đất đai mới cần quy định sự kế thừa của Luật Đất đai trước, không gia hạn thời hạn trong việc xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận đối với hình thức nhận chuyển nhượng không thông qua công chứng, xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (chuyển nhượng bằng giấy tay) của hộ gia đình, cá nhân kể từ khi Luật Đất đai mới có hiệu lực.Đặc biệt, tiến độ cấp Giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở (chủ yếu là căn hộ chung cư) tại TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn hàng ngàn căn hộ chung cư chưa được cấp “sổ” dù đã được đưa vào sử dụng hàng chục năm, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ này là do quá trình thực hiện các dự án nhà ở qua nhiều bước, nhiều giai đoạn với sự chi phối, áp dụng thực hiện nhiều quy định pháp luật có liên quan; chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở vi phạm ở một hoặc một số quy định của các pháp luật có liên quan chưa thống nhất.

Hiện nay, TP.HCM đang chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tiếp tục rà soát, đề ra các giải pháp, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố đã có Công văn gửi Bộ TN&MT và Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư dự án nhà ở.

Bạn đang đọc bài viết "Vướng mắc trong cấp “sổ đỏ” tại TP.HCM: Kịp thời tháo gỡ" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin liên hệ vui lòng gửi qua email: info.saigondaily2022@gmail.com