Vụ “phá nhầm” hơn 5ha rừng phòng hộ: Bức tranh tài chính Tập đoàn Bamboo Capital liên tục âm qua các năm

Thu Trang

29/09/2021 14:42

Liên tục báo lãi trong quý II/2021 nhưng thực tế bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG) không mấy khởi sắc khi nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu 5,76 lần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của BCG vừa công bố, dòng tiền kinh doanh của công ty này liên tục rơi vào trạng thái âm.

Tính đến ngày 30.6 nợ phải trả của BCG nợ phải trả của BCG là 30.498 tỉ đồng tăng 44% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi là 15.425 tỉ đồng. Các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần 335% so với đầu kỳ - lên 11.086 tỉ đồng.

BCG 1

 BCTC của Bamboo Capital: Nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu 85% tổng số vốn.

Vốn chủ sở hữu của BCG chỉ vỏn vẹn 5.298 tỉ đồng, như vậy nguồn vốn của công ty này phụ thuộc chủ yếu vào các khoản vay nợ. Nợ phải trả của BCG chiếm tới 85% vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG) có tiền thân là Công ty Cổ phần Thủ Phủ Tre được thành lập vào năm 2011 dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Hồ Nam. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, sản xuất - thương mại, xây dựng, kinh doanh bất động sản và năng lượng tái tạo. BCG phát triển mảng sản xuất và thương mại trên những dòng sản phẩm chủ lực từ hệ thống công ty thành viên và liên kết, bao gồm đồ gỗ, bột sắn, cà phê, vật liệu xây dựng. BCG tham gia đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT, BT. Công ty còn liên kết với các đối tác có tiềm lực tài chính cùng đầu tư và phát triển các dự án bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, Công ty còn tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của BCG cũng đưa ra những con số đáng báo động về dòng tiền của công ty. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh âm 7.506 tỉ đồng trong khi năm 2020 con số này thấp hơn rất nhiều đạt 1.548 tỉ đồng. Không chỉ dòng tiền kinh doanh âm, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của BCG cũng âm 1.599 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh và đầu tư đang bị thiếu hụt BCG đã huy động vốn từ trái phiếu và các cổ đông. Trong 6 tháng đầu năm, Bamboo Capital đã phát hành xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn với các kỳ hạn từ 2-3 năm, lãi suất dao động 10-11%. Hiện nay, cổ đông lớn nhất của BCG là Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, công ty này đã chuyển đổi trái phiếu thành 25,6 triệu cổ phiếu BCG để nâng sở hữu từ 2,52% vốn điều lệ lên 10,36% vốn điều lệ, giao dịch thành công Helios đã trở thành cổ đông lớn của BCG.

Trước đó, BCG cho biết, sẽ chuyển đổi 900 tỷ đồng trái phiếu thành 90 triệu cổ phiếu, giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, tổng số trái chủ là 45 và ngày chuyển đổi là 12/7/2021. Được biết, số cổ phiếu chuyển đổi sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Tính đến 30.6 tổng tài sản của BCG đạt 35.796 tỉ đồng, tăng 48,3% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của BCG nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, phải thu ngắn hạn của BCG tăng 34,75% so với đầu kỳ, lên tới 9.545 tỉ đồng - chiếm 26,6% tống tài sản.

Các khoản phải thu dài hạn tăng 98,5% so với đầu kỳ, lên tới 11.996 tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng tài sản.

Gần đây, Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital làm chủ đầu tư đã vướng vào lùm xùm liên quan đến việc phá 5,2ha rừng phòng hộ ven biển để xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3. Dự án có diện tích đất hơn 94,3 ha (2 giai đoạn) tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (H.Phù Mỹ), công suất 100 MWp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.048 tỉ đồng./.

 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ “phá nhầm” hơn 5ha rừng phòng hộ: Bức tranh tài chính Tập đoàn Bamboo Capital liên tục âm qua các năm" tại chuyên mục Thị trường. Mọi thông tin liên hệ vui lòng gửi qua email: info.saigondaily2022@gmail.com