Chai rượu Glenmorangie 10 năm tuổi có xuất hiện “dị vật” này được khách hàng mua tại cửa hàng Minh Thịnh Shop (địa chỉ 175 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội). Sau khi phát hiện “dị vật”, vị khách hàng này đã phản ánh với Minh Thịnh Shop và cửa hàng này cũng chuyển thông tin khách hàng phản ánh cho nhà nhập khẩu, là Công ty Moet Hennessy Việt Nam. Đồng thời, khách hàng cũng phản ánh với cơ quan báo chí để làm rõ thông tin về sản phẩm và quy trình sản xuất.
Để làm rõ thông tin, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện Moet Hennessy và Đại diện Công ty TNHH thương mại và dầu khí Minh Thịnh – đơn vị được Moet Hennessy ủy quyền phân phối sản phẩm của hãng (thông qua Minh Thịnh Shop).
Theo tìm hiểu, chai rượu Glenmorangie Original có “dị vật” lên kệ vào ngày 28/8/2018; có mã sản phẩm GLE.ORI.003; xuất xứ từ Scotland; nhà nhập khẩu: Moet Hennessy Việt Nam; đơn vị phân phối: Công ty TNHH thương mại và dầu khí Minh Thịnh, có địa chỉ tại 175 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội.
Đại diện Minh Thịnh Shop khẳng định chắc chắn rằng chai rượu có “dị vật” này được nhập khẩu từ Moet Hennessy Việt Nam và được bán ra từ Minh Thịnh Shop. Sở dĩ vị đại diện này khằng định điều này, vì ông cho biết, các loại rượu được nhập khẩu bởi Moet Hennessy, khi được phân phối, bán ra từ Minh Thịnh Shop đều được gắn tem chống hàng giả Jeptags. Chai rượu có “dị vật” này có gắn gắn tem chống hàng giả Jeptags, khi kiểm tra xác thực chip Jeptags bằng smartphone cho ra kết quả xác thực thành công, mọi thông tin của sản phẩm này đều có đầy đủ.
Ông Paul Auriol, Tổng Giám đốc Moet Hennessy Việt Nam cho hay: “Đây là chai rượu Glenmorangie 10 năm tuổi. Cá nhân tôi nhận thấy, chai rượu này (chai rượu có “dị vật” – PV) là hàng thật. Quan sát bên ngoài, chai sạch đẹp, không có dấu hiệu bị tác động”.
Tuy nhiên, theo ông Paul Auriol, đó chỉ mới là quan sát bề ngoài. Để biết được một cách chính xác chai rượu này có đúng chuẩn hay không, tại sao lại xuất hiện vật thể lạ, thì cần sự giám định và phân tích của những cơ quan, đơn vị có chuyên môn. Ngay cả việc tem nhập khẩu có đúng hay không, cũng cần sự xác nhận của hải quan Việt Nam.
Do sự vắng mặt của nhà sản xuất Glenmorangie nên hiện tại chưa thể chứng thực được chắc chắn nguồn gốc của sản phẩm lỗi này và nguyên nhân gây ra sự cố “dị vật” bên trong chai rượu Glenmorangie.
Vị Tổng Giám đốc Moet Hennessy Việt Nam cũng đề nghị gửi chai rượu có “dị vật” này đến một cơ quan giám định có thẩm quyền, chuyên môn để làm rõ vấn đề. Khi có kết quả sẽ thông tin lại cho báo chí sau.
Sự im lặng đáng sợ
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Moet Hennessy đơn vị nhập khẩu và phân phối loại rượu này, đề nghị cung thông tin cho báo chí về phản ánh của người người tiêu dùng. Tuy nhiên, phía Moet Hennessy không hề đưa ra bất kì động thái nào liên quan đến vấn đề trên. Điều này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí năm 2016 về việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Đáng chú ý, sau thời gian làm việc với Moet Hennessy, nhóm phóng viên thực hiện phản ánh đã liên tục nhận được những cuộc gọi tạo sức ép, xin gặp mặt để thương lượng mua lại chai rượu. Không chỉ đề nghị mua lại chai rượu có dị vật, các đối tượng còn dùng những lời lẽ đe dọa phóng viên phải cẩn thận, nếu không sẽ bị hành hung, ám sát.
Đã gần 2 năm kể từ khi sự việc xảy ra, phóng viên đã nhiều lần gửi thư yêu cầu Glenmorangie và Moet Hennessy phản hồi lại nội dung mà người tiêu dùng phản ánh. Tuy nhiên tới nay, phía nhà sản xuất và nhà phân phối vẫn chưa đưa ra một câu trả lời chính thức nào cho báo chí và người tiêu dùng. Là một thương hiệu lớn và nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng lại không cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và báo chí. Điều này khiến cho người tiêu dùng đặt ra câu hỏi về chất lượng rượu mà đơn vị này sản xuất cũng như trách nhiệm họ đối các sản phẩm được bán ra cho người tiêu dùng. Có hay không việc Glenmorangie và Moet Hennessy cố tình chây ì, thách thức pháp luật Việt Nam?
Luật Báo chí 2016 quy định:
Khoản 1, Điều 38 về việc cung cấp thông tin cho báo chí:
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Khoản 2, Điều 39 về việc trả lời trên báo chí:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.