Theo báo cáo sơ bộ của Bộ LĐTB&XH, trong số hơn 600.000 lao động di cư về quê trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, hầu hết là người lao động ở ngoài khu công nghiệp và ngoài khu vực doanh nghiệp FDI. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhận định: “Các cơ quan chức năng cần xác định đúng tình hình để đưa ra giải pháp chuẩn xác. Các địa phương cần báo cáo, làm rõ, bổ sung thông tin về tình hình thiếu hụt lao động, thiếu ở đâu, thiếu ở các ngành nào, mức độ ra sao để giải quyết vấn đề”.
Các doanh nghiệp ở các tỉnh trọng điểm như: TP. HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn trong khi đó một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại địa phương gặp khó khăn khi nhu cầu lao động không lớn.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là sau khi nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế Đông Nam bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, từ 01/7 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội và các địa phương đã triển khai rất khẩn trương, rất quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68. Bộ trưởng đánh giá rất cao các địa phương, nhất là 23 tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất nhiều, có nhiều cách làm mới, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. “Chính phủ luôn nhận định: An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài, phức tạp, những diễn biến mới ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của người dân, khi dòng người từ thành phố, đô thị, khu đông dân cư kéo về quê, về địa phương, về nông thôn với số lượng rất lớn. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi sớm khôi phục và phát triển thị trường lao động, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế.
Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Theo Bộ LĐTB&XH, có khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động; thiếu hụt lao động theo ngành: điện tử (55,6%), da giày (51,7%), May (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%)…
Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Những đề xuất trong buổi họp ngày hôm nay sẽ được chuyển cho ban chỉ đạo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xem xét, nhằm xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.
Trước tình trạng một bộ phận công nhân lao động rời TP. HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát, có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Trước tình hình trên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN ) yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN chỉ đạo Công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả “lương tạm nghỉ việc”, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.
Cùng với đó, bố trí nguồn lực và chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh các chính sách có tính chất bao phủ, lâu dài, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng các phương án rất cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cân đối nguồn lao động, phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Bộ cũng đã tính đến phương án huy động lực lượng lao động từ các trường nghề, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ… Khi địa phương thiếu lực lượng lao động, có thể huy động lực lượng sinh viên tham gia sản xuất với hình thức vừa học vừa làm, bảo đảm đúng các quy định về pháp luật việc làm.