Chủ trương các ngành nghề được chấp thuận hoạt động trong Quyết định gồm: sản xuất hàng chăn ga, thảm dệt, thiết bị y tế; sản xuất giấy; thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm; các ngành nghề phụ trợ ngành công, nông nghiệp… và các ngành nghề khác có liên quan. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng hạ tầng trong phạm vi khu đất xin thuê đất đợt 1 khoảng 30ha.
Từ quý 3/2021 đến quý 4/2022: Hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường triển khai xây dựng khu điều hành quản lý cụm công nghiệp, xây dựng đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống điện trong cụm công nghiệp, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, cây xanh, hệ thống thu gom rác thải và xử lý nước thải.
Quý 4/2022 bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng hạ tầng trong phạm vi khu đất xin thuê đất đợt 2 khoảng 44ha còn lại của dự án.
Từ quý 4/2021 đến quý 2/2024: Hoàn thiện thuê đất còn lại của dự án; Triển khai xây dựng đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống điện trong cụm công nghiệp, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, cây xanh, hệ thống thu gom rác thải và xử lý nước thải.
Quý 2/2024 bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam có trách nhiệm: Hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định; Xây dựng phương án hoàn trả các tuyến giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi trong quá trình lập, trình duyệt dự án để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân lao động, đảm bảo các điều kiện cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tong đó có xử lý nước thải, chất thải và công tác quản lý, đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp theo Quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng cụm công nghiệp. - Xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ đầu tư dự án, gửi Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Giao UBND huyện Hà Trung chỉ đạo việc quản lý và đầu tư phát triển Cụm công nghiệp Hà Long I theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng dự án của nhà đầu tư, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực xung quanh dự án. Cập nhật vị trí, diện tích khu đất trên vào Quy hoạch sử dụng đất đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cập nhật việc sử dụng đất thực hiện dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Hà Trung, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt theo quy định.
Giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến Cụm công nghiệp Hà Long I, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa theo quy định hiện hành của pháp luật.