Nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất được khởi công từ cuối năm 2017 trên diện tích gần 400 ha. Vận hành thử nghiệm từ hơn một năm trước, ô nhiễm từ nhà máy gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân sống ở khu vực lân cận. Theo kế hoạch, người dân sẽ được di dời và tái định cư từ cách đây ba năm. Tuy nhiên đến nay, khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng, người dân phải sống chung với ô nhiễm kéo dài.
Theo người dân, họ không chịu nổi với tiếng ồn, bụi bặm khủng khiếp trong quá trình hoạt động sản xuất thép và cả việc thi công giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Bà Lê Thị Thúy, đại diện người dân thuật lại tình trạng khói bụi và mùi quanh nhà máy. Theo bà, 115 ha thuộc giai đoạn 2 của dự án luyện thép chưa có quyết định bồi thường, nhưng doanh nghiệp vẫn cho chở đất, nổ mìn, đào đá khiến người dân không thể canh tác được. “Thời gian qua, mùi hôi và khói từ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất làm chết cây cối, khiến người dân luôn sống trong lo âu. Đáng nói, dự án chưa hoàn tất khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn thi công phần mở rộng 115 ha, người dân chúng tôi hết sức bức xúc”.
Ông Nguyễn Tú (người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án này) phản ánh, “Chúng tôi được hứa là di dời vào khu tái định cư từ gần 4 năm trước. Đã có không biết bao nhiêu cuộc họp rồi, nhưng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề. Người dân chúng tôi muốn biết bao giờ sẽ hoàn thành khu tái định cư, bao giờ chúng tôi được cấp đất để di dời đến nơi ở mới”.
"Chúng tôi sẵn sàng “nhường đất” để xây dựng nhà máy, xí nghiệp nhằm phát triển đất nước, tỉnh nhà. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, trong quá trình hoạt động, nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà máy xả khói bụi, mùi khét triền miên trong khu dân cư, khiến người dân rất khổ sở”, bà Lê Thị Trí, một người dân ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bức xúc chia sẻ.
Bất bình trước tình trạng này, từ chiều 7/6, hàng chục người dân quyết định mang lều bạt đến dựng trước cổng nhà máy Hòa Phát Dung Quất.
Theo người dân, họ cương quyết túc trực ở đây 24/24 nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy. Bởi nhiều lần người dân đối thoại với chính quyền và công ty nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện khiến cuộc sống họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Ngô Thị Rứa (người dân thôn Đông Lỗ) cho hay, "Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cứ hứa giải quyết tái định cư cho hàng trăm hộ dân xã Bình Thuận nhưng dân chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai. Nếu cứ sống chung với bầu không khí ô nhiễm thế này, chắc chẳng có ai ở đây sống nổi. Tội nhất là những đứa trẻ nhỏ phải gánh chịu một bầu không khí ô nhiễm như thế này".
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin lỗi người dân
Trước những bất cập ở dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân, chiều ngày 12/6, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân địa phương về sự việc.
Cụ thể, ông Minh cùng đoàn đã đến trao đổi với bà con thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sau đó, ông Minh tiếp tục đến nhà dân nằm ngay bên cạnh tường rào nhà máy thép này, cùng chứng kiến ô nhiễm, khói bụi và tiếng ồn mà người dân đang chịu.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận môi trường xung quanh nhà máy đang bị ô nhiễm nặng, những bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng.
“Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, tôi xin lỗi bà con, đã làm phiền bà con rất là nhiều trong những ngày qua. Mặc dù các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, nhưng chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân. Tuy nhiên, vi phạm của doanh nghiệp cũng khiến bà con có vi phạm. Kể từ nay, bà con không nên có những việc làm không đúng nữa. Chính quyền có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp xử lý những vấn đề của doanh nghiệp".
Về việc tái định cư, theo ông Minh, khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chậm triển khai, kéo dài trong thời gian qua là vì có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, ông gửi lời xin lỗi người dân vì sự chậm trễ.
"Tôi xin thừa nhận phần lỗi của chính quyền. Chậm nhất đến tháng 10/2021 sẽ khởi công khu tái định cư Vạn Tường. Đến tháng 10/2022 sẽ hoàn thành và đưa bà con vào sinh sống. Nếu không làm được, chủ tịch UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước bà con. Mong bà con chia sẻ bởi cần có thời gian để chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và triển khai thi công", ông Minh hứa.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng chỉ đạo dừng thi công dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2, trên khu vực 115 ha, vì dự án chưa hoàn thành việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân.
"Sau buổi đối thoại này, Công ty tiếp tục bàn bạc, thảo luận các phương án tạm ứng tiền đền bù, xây nhà ở tạm cho dân, hay hỗ trợ tiền thuê nhà, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Khi nào 342 hộ dân trong khu vực 115 ha thống nhất, tháo dỡ nhà và vật kiến trúc mới được triển khai thi công", ông Minh nhấn mạnh.
Đại diện nhà máy thép cho biết, 115 ha diện tích giai đoạn mở rộng của nhà máy có 342 hộ và cần 421 lô tái định cư. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Hòa Phát tạm ứng 100% bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, trước khi có quyết định thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng của cơ quan nhà nước. Đến nay, 110 hộ đã nhận tiền đền bù, trong đó có 65 hộ đã bàn giao đất đi nơi khác.
Song, người dân cho biết Hòa Phát yêu cầu họ cam kết, sau khi nhận tiền tạm ứng thì không khiếu nại khi có phê duyệt bồi thường của nhà nước. Chính quyền tỉnh khẳng định, quyền khiếu nại, khiếu kiện là quyền hiến định nên yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra phản ánh và điều chỉnh.
Đại diện chủ đầu tư cho rằng điều này là hiểu nhầm, và hứa rằng, nếu phương án bồi thường của nhà nước thấp hơn tiền tạm ứng thì người dân không phải trả lại cho chủ đầu tư; còn nếu phương án bồi thường cao hơn thì chủ đầu tư sẽ trả thêm tiền cho người dân.
Về tình trạng ô nhiễm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, "Dự án thép được giám sát đặc biệt về môi trường, chuyện ô nhiễm là có. Song, phát triển công nghiệp không thể không có ô nhiễm".