Nhân tố quan trọng
Hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xem là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Giới chuyên gia cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,8%; lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Mức độ phát triển con người ngày càng cải thiện, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng từ 0,683 (năm 2015) lên 0,702 (năm 2020).
Cùng với đó, đội ngũ nhân lực nghiên cứu khoa học đã có bước phát triển đáng kể về số lượng, chiếm khoảng 0,3% trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.
Đội ngũ nhân lực giáo dục đào tạo cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, nghề nghiệp ở nhiều mức độ. Ngành giáo dục và đào tạo cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước…
Chiến lược thu hút nhân tài
Mặc dù đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đã phát triển khá mạnh, tuy nhiên thực tế cho thấy lực lượng lao động chất lượng thấp còn chiếm tỷ lệ khá cao. TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ ở mức 23,6%; trên 60% việc làm thuộc khu vực nông nghiệp và phi chính thức với năng suất lao động thấp. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nhìn chung vẫn còn kém, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi do, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm.
Có thể nói, cơ cấu lao động chuyển dịch của Việt Nam đang theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của nước ta còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính “huyết mạch” của nền kinh tế như: tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 0,8% năm 2020.
Chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành và thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý. Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững.
Đặc biệt, chất lượng hệ thống giáo dục và đào tạo đáng để cho các nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực này nghiêm túc suy nghĩ. Năm 2020, Ngân hàng Thế giới xếp hạng 1.000 trường đại học theo ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE, Việt Nam đứng cuối cùng sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Không những thế, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính chưa đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; trách nhiệm công vụ còn kém, lề lối làm việc còn trì trệ, chậm đổi mới…
Vì vậy để phát triển đất nước, Việt Nam rất cần một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp, cụ thể và đột phá để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực chất lượng; đặc biệt, xây dựng hệ sinh thái cho đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài.
Cũng theo ông Lâm, các tập đoàn kinh tế Nhà nước có tiềm lực tài chính cần tích cực thực hiện chủ trương thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Chính phủ cũng lập danh sách các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và công bố rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để thu hút, mời hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp.
Thành công trong việc đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài của nước Mỹ; kinh nghiệm trong ngăn chặn chảy máu chất xám, thu hút nhân tài của Trung Quốc; chiến lược thu hút nhân tài bài bản và chuyên nghiệp của Singapore là mô hình tốt, những bài học kinh nghiệm hay cho Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác học hỏi./.