Cuộc họp có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Dự án SPI-NDC được phía Nhật Bản và Việt Nam chuẩn bị từ năm 2018, đến nay, Dự án đã được phê duyệt và đi vào hoạt động. Hiện, các bên tham gia đang xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Dự án năm 2021 và những năm tiếp theo.
Thực hiện Dự án SPI-NDC là một trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thành cam kết về phát thải nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biển đổi khí hậu đã được đưa ra trong Báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mà Việt Nam đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9/2020.
Theo Kế hoạch thực hiện Dự án SPI-NDC, trong năm 2021, các đơn vị liên quan sẽ triển khai một số hoạt động như: Tiến hành nghiên cứu và đề xuất khung giám sát và đánh giá cho các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia; xây dựng phương thức hoạt động cho cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia cho các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam; rà soát, đánh giá hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia, yêu cầu dữ liệu và đề xuất các biện pháp hoàn thiện hệ thống; tổ chức các hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia cho các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ tham gia thực hiện NDC của Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức đánh giá nhu cầu và tham vấn các bên liên quan về các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nghiên cứu đường cơ sở về phát thải khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải tiềm năng, hệ thống MRV và thu thập, đánh giá các công nghệ các-bon thấp; nghiên cứu, đánh giá các biện pháp khuyến khích tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đề xuất mô hình thí điểm nhằm tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn nâng cao năng lực, tạo điều kiện đối thoại và tham gia thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng dụng khung minh bạch của UNFCCC cho khu vực tư nhân.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các kết quả về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, những tồn tại, hạn chế trong năng lực quản lý, giám sát giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và thực hiện các hoạt động trọng tâm của dự án, phù hợp với mục tiêu của dự án cũng như các chiến lược, kế hoạch của các Bộ. Đồng thời, đưa ra các hoạt động cụ thể trong năm 2021 của dự án, đề xuất các hoạt động có tính khả thi cao phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Các đại biểu cho rằng, việc triển khai các hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong NDC và triển khai các quy định về biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện nay là vô cùng cấp bách. Hầu hết các đơn vị liên quan trong Dự án đều đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện Dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Ban Quản lý Dự án hỗ trợ các đơn vị về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương tiện, hệ thống giao thông về thân thiện môi trường. Trong khi đó, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ các thiết bị, công nghệ sẽ được cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị trong khuôn khổ thực hiện của Dự án...