Trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày 13/9/2021, SCIC đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Vietnam Airlines hiện là hãng sở hữu phần lớn đường bay quốc tế từ Việt Nam, do tác động xấu của thị trường hàng không thế giới khiến nguy cơ thu lỗ, mất cân đối tài chính luôn hiện hữu. Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng phải thừa nhận, năm 2021 tiếp tục lỗ nặng, mỗi ngày COVID-19 thổi “bay” 60 tỷ đồng nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi.
Tại Vietnam Airlines, Chính phủ thực hiện hai vai trò: Thứ nhất là chủ sở hữu, thứ hai là quản lý nhà nước. Nhà nước vừa là người quản lý vừa là chủ đầu tư, là cổ đông chiến lược, do đó giúp đỡ Vietnam Airlines chính là việc Nhà nước thể hiện vai trò của mình cả trong điều hành kinh tế vĩ mô lẫn đầu tư vào thị trường. Dùng từ "hỗ trợ" có lẽ phù hợp hơn là "giải cứu" bởi doanh nghiệp Nhà nước là của Nhà nước, nên Nhà nước hỗ trợ với tư cách là chủ doanh nghiệp. Với tư cách quản lý nhà nước, Chính phủ đã ra hàng loạt các gói hỗ trợ thuế, phí bao gồm cả gói giải pháp riêng cho ngành hàng không, cho các hãng hàng không.
Trong bối cảnh các hãng hàng không tư nhân Việt Nam hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề giải cứu hàng không tư nhân, cần có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại Nhà nước với phương án hạ thấp lãi suất so với mặt bằng hiện nay. Việc giải cứu Vietnam Airlines cũng phải tính đến các doanh nghiệp khác như VietJet Air, Bamboo Airways,… để đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, không mang tính phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Vốn dĩ, doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân như sở hữu thương hiệu quốc gia được xây dựng từ lâu đời, có nhiều doanh nghiệp hậu thuẫn phía sau như công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay.
Trao đổi với báo chí liên quan đến sự việc, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Trong những năm gần đây, trên 70% tăng trưởng của ngành hàng không là từ hãng bay tư nhân. Từ chỗ Vietnam Airlines được độc quyền về thị trường, về vốn đầu tư, được ưu tiên được bay trong lúc đại dịch COVID-19 căng thẳng nhất đến lúc các hãng khó khăn nhất, bị cạn kiệt dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines lại được ưu tiên bổ sung vốn thì hãng này tiếp tục vượt trội so với hai hãng hàng không tư nhân. "Trong kinh doanh, lúc khó khăn, hơn nhau về vốn lớn như vậy có thể sẽ khiến đối thủ biến mất khỏi thị trường, điều sẽ dẫn đến là Vietnam Airlines sẽ giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng", ông Ngô Trí Long phân tích.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, Hàng không Việt Nam bị thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm nay. Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đã đề nghị hỗ trợ gói 25.000 tỷ đồng vay ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không. Trên cơ sở vai trò đóng góp đối với nền kinh tế, với xã hội và với quy mô thị trường của từng hãng, gói này sẽ được phân bổ phù hợp. Đây là đề xuất hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ chưa thông qua gói hỗ trợ chung cho ngành hàng không, chưa trả lời có hỗ trợ hay không, bao giờ hỗ trợ? Mà đã đề nghị Quốc hội hỗ trợ bổ sung vốn cho riêng Vietnam Airlines thì đây rõ ràng là tạo lợi thế cho Vietnam Airlines và gây bất lợi cho các hãng bay khác.
Nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước và các điều ước quốc tế đều khẳng định doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hàng không nói riêng đều được đối xử bình đẳng. Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. "Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ Vietnam Airlines thì Chính phủ cần đồng thời hỗ trợ cho các hãng bay tư nhân", ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp. Xét cho cùng, đó cũng chính là thực hiện tối ưu nhất vai trò kinh tế của Nhà nước. Ở đây, cũng cần lưu ý là ngân sách có hạn, nếu không cứu trợ, hỗ trợ được hết các hãng hàng không thì nên ưu tiên hỗ trợ cho hãng nào có khả năng hồi phục, đóng góp nhiều cho nền kinh tế, cho đất nước. Nhìn vào kết quả kinh doanh và đóng góp của các hãng hàng không hiện nay, không khó để biết hãng nào cần được ưu tiên “chọn mặt gửi vàng”.