Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho biết, việc xin giấy đi đường QR Code gặp khó khăn khiến nhiều công đoạn sản xuất tại nhà máy bị gián đoạn do không thể thuê công ty bên ngoài làm khâu vệ sinh vì công ty này nằm này nằm ngoài Khu công nghiệp.
Ông Phúc cho hay: "Hơn một tuần nay Công ty đã gửi lên UBND quận Liên Chiểu, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp nhưng không được duyệt vì không đúng đối tượng chứ không phải họ làm khó".
Bày tỏ khó khăn về việc xin giấy đi đường QR Code, ông Trần Quang Minh - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải Châu cho hay, nhiều doanh nghiệp gần 20 ngày nay không xin được giấy đi đường.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng muốn xin giấy đi đường, khi được hướng dẫn nộp tại UBND phường nơi có công trình đang thi công thì được hướng dẫn nộp về UBND phường nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục được hướng dẫn về Quận rồi về Sở… 20 ngày nay vẫn chư xin được. “Các đơn vị không đủ thẩm quyền cấp và hướng dẫn chung chung", ông Minh cho biết.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng khá bức xúc với việc xin giấy đi đường. Đại diện Công ty LG Electronic Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, hiện doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tuyển dụng và điều chuyển nhân sự các tỉnh thành và các nước đến Đà Nẵng. Vì vậy, công ty mong muốn thành phố sớm ban hành chính sách phù hợp về việc di chuyển trong và ngoài nước.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng thì hy vọng giấy đi đường sẽ được bãi bỏ càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng cho thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp.
Theo ông Ikeda Naoatsu, xét dưới góc độ của nhà tuyển dụng nhân sự thì giấy đi đường cũng trở thành một vấn đề quan trọng. Dù có tuyển được nhân sự mới nhưng lại không có giấy đi đường thì nhân viên cũng không thể đến công ty. Doanh nghiệp cũng không thể ký hợp đồng chính thức và kết quả là không thể tăng thêm được nhân sự mới.
Đối với các công ty với quy mô nhân viên càng lớn thì càng phải nỗ lực nhiều chuẩn bị giấy đi đường. Có công ty phải làm thủ tục cho hàng nghìn nhân viên trong thời gian ngắn, thủ tục tập trung trong thời gian ngắn, có công ty không kịp thời hạn. Việc bãi bỏ giấy đi đường để có thể giải quyết những trường hợp như vậy.
Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội tuyển được nhân sự mới mà không có giấy đi đường nên nhân sự không tới được công ty. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất TP Đà Nẵng hủy bỏ giấy đi đường để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Thay vào đó là chứng nhận đã tiêm chủng, cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 được di chuyển tự do toàn quốc, ông Ikeda Naoatsu đề nghị.
Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Thành phố sẽ ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành “công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh”. Tăng cường chuyển đổi số; Phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định đơn giản các thủ tục trong đó có việc đưa chuyên gia, lao động kỹ thuật cao từ nước ngoài vào làm việc.
Thành phố cố gắng để mỗi người dân có một mã QR Code, để khi quét mã này sẽ hiện đầy đủ các thông tin cá nhân, số mũi vaccine, số lần xét nghiệm… thay cho tất cả giấy đi đường trước đây.
Các thủ tục của cơ quan nhà nước sẽ được cắt giảm tối đa để chăm sóc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư. Tôi đề nghị doanh nghiệp có các phương án phòng chống dịch và được triển khai chặt chẽ, phù hợp để khi có tình huống là chủ động chuyển trạng thái ngay - ông Quảng nhấn mạnh.