Theo tờ The Diplomat, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, đang đóng vai trò ngày một quan trọng hơn trong nền kinh tế đất nước và sẽ tiếp tục phát triển bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Ngay cả trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã được coi là một địa điểm lý tưởng để kinh doanh trong lĩnh vực này bởi sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc.
Tất cả những điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới, xếp vị trí thứ 12 trên thế giới kể từ năm 2015.
Giá trị hàng hóa điện tử xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 47,3 tỷ USD vào năm 2015 lên 96,9 tỷ USD vào năm 2019. Nhập khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng gần gấp đôi trong cùng khoảng thời gian trên.
Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều từ đối tác xuất khẩu. Năm 2019, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử. Theo sau là Hoa Kỳ (18,2%) và Hàn Quốc (9,1%).
Các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam bao gồm điện thoại di động, tivi, camera (41%; linh kiện điện tử (18,2%) và mạch điện tử tích hợp và cụm vi mô (11,9%).
Năm 2019, LG đã công bố sẽ chuyển hoàn toàn các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Đồng thời, Apple và Foxconn cũng đac chuyển một phần nhà máy sản xuất sang Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, Samsung đã đầu tư hơn 17,5 tỷ USD vào Việt Nam. Điện thoại di động cao cấp và linh kiện điện tử của công ty này hiện chiếm hơn 20% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. “Gã khổng lồ” Samsung hiện đang sử dụng hơn 170.000 lao động tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh và Tây Nguyên. Đồng thời, Samsung cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư hơn nữa ở cả nước.
Vào tháng 6/2019, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EU), qua đó thuế quan, các rào cản về quy định, và nhiều vấn đề khác nội tại của Việt Nam được giải quyết. Điều này sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho cả hai bên.
Hiệp định Thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng giúp giảm thuế quan, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2020, Chính phủ Việt nam đã công bố giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành công nghệ cao, ngoài ra là doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đặc biệt và kém phát triển.
Theo báo cáo gần đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2021 nhờ vào việc “triển khai tiêm vaccine cũng như nhu xuất khẩu hàng hóa đối với các ngành hàng quan trọng”.
Điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc do “sự kết hợp giữa sức mua tăng, xu hướng hiện đại hóa kinh tế và xu thế nhân khẩu học”, Fitch Solutions phân tích.
Bất chấp những đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay, nền kinh tế Việt Nam được mong đợi có mức tăng trưởng từ 3,5 đến 4% trong năm nay. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch COVID-19 vào nửa cuối năm 2021. Nếu thành công trong việc khống chế sự lây lan cả dịch bệnh, Việt Nam kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất đồ điện tử trong khu vực.