Đề xuất gói kích thích phục hồi kinh tế với quy mô 800.000 tỷ đồng

Tiên Nguyễn

05/11/2021 08:15

Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 có quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 với quy mô khoảng 800.000 tỉ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.

img-2525-6896

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết trước những tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP.

Đây đều là những gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Thời gian qua, Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp  vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp. Năm 2021 ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.

Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội...; bỏ lỡ các cơ hội mới, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh.

Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 hiện nay hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình được thực hiện giai đoạn 2022 – 2023 sẽ bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỉ đồng (tương đương 35 tỉ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021. Đây là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Nội dung cụ thể của chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 gồm: Chính sách giảm thuế, cắt giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, cấp bù lãi suất cho vay của một số ngành, tạo cơ chế cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước (SCIC) mua lại, đầu tư vào các doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng đang gặp khó khăn. Mục tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, thúc đẩy dùng nguyên liệu trong nước và chuyển đổi số. Chương trình có một số chính sách mới như giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá, dịch vụ cho mục đích kích cầu tiêu dùng, cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về trước. Kinh phí cho chương trình này khoảng 370.000 tỷ đồng.

Chương trình phục hồi cũng có chính sách đặc biệt hỗ trợ với các ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh như hàng không, du lịch, nông - lâm nghiệp và thủy sản, khởi nghiệp sáng tạo…

Chương trình phát triển hạ tầng giao thông dự kiến kinh phí 220.000 tỷ đồng, phát triển nhà ở cho công nhân - nhà ở xã hội khoảng 55.000 tỷ đồng….

Cơ sở để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích kĩ các yếu tố quy mô nợ công năm 2021 khoảng 43,6% GDP, thấp hơn nhiều mức cảnh báo 55% GDP. Quy mô dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD. Lãi suất cho vay trong nước và quốc tế đang ở mức thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định đây là nguồn lực huy động quan trọng để sử dụng nguồn vốn vào phục hồi kinh tế. Đặc biệt, không gian chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm. Lạm phát được dự báo còn ở mức thấp, lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn còn có thể giảm thêm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi còn dư địa giảm. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh làm giảm áp lực các kênh huy động qua tín dụng. Quy mô kiều hối khoảng 18 tỷ USD mỗi năm sẽ hỗ trợ cán cân thanh toán.

Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Cần tập trung vào đối tượng cần và đúng nhóm doanh nghiệp bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh

Việc hỗ trợ cả người dân và doanh nghiệp để kinh tế phục hồi là hai yếu tố song hành, bởi vì GDP còn phụ thuộc vào chi tiêu của người dân, nếu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà không tăng khả năng chi tiêu của người dân, thì nền kinh tế cũng không thể hấp thụ hết lượng hàng hóa dịch vụ được cung ứng.

v-a_jomj

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định đây là một chương trình có trọng điểm, hỗ trợ có chọn lọc. Sau đại dịch COVID-19 doanh nghiệp, nền kinh tế đang rất khó khăn, nhu cầu phục hồi là rất cần thiết. Con số 800.000 tỷ là ước tính, mang tính chủ trương còn thực hiện như thế nào sẽ chia từng giai đoạn, lĩnh vực cụ thể sau khi được thông qua.

“Chương trình phục hồi kinh tế quy mô lớn sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhanh chóng, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp thông qua thuế phí sẽ góp phần đưa GDP sẽ tăng trưởng trở lại. Trong đó, các ngành được hưởng lợi là những doanh nghiệp như xây dựng, doanh nghiệp trúng thầu đầu tư công. Với các ngành như hàng không - du lịch thì gói hỗ trợ chỉ mang tính chất hỗ trợ, “bơm máu” cho doanh nghiệp sống sót chứ không mang tính quyết định. Bởi lẽ với ngành hàng không, điểm quyết định không phải là bơm bao nhiêu vốn, mà phải là mở cửa kinh tế, mở cửa đường bay quốc tế trở lại, không thể đến sân bay lại xét nghiệm phức tạp rồi đủ thứ thủ tục. Góc nhìn cốt lõi vẫn là bình thường hóa như thế nào, người dân phải được đi du lịch thoải mái, từ đó mới tạo ra dòng tiền thực theo đúng chiến lược "sống chung với COVID-19", ông Tuấn phân tích.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhận xét, đây là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn và thời gian đủ dài cần để triển khai. Bản thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hội đủ các yếu tố nhắm vào các lĩnh vực đáng quan tâm nhất, không chỉ hỗ trợ người lao động, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại mà còn thúc đẩy cải cách thể chế để bắt kịp nền móng cho bước phát triển tiếp theo.

“Tuy vậy, chúng ta nên rút kinh nghiệm của các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ trước đây. Tiền chưa phải vấn đề quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế, quan trọng hơn là triển khai được nhanh, hiệu quả, giám sát tốt để chống thất thoát cũng như bảo đảm doanh nghiệp đứng dậy hoặc đứng vững được. Muốn vậy, phải tăng cường cải cách hành chính, quyết liệt cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, hạn chế các thủ tục rườm ra gây tổn thất nguồn lực, tập trung vào vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp và đào tạo tay nghề cho người lao động”, TS Võ Trí Thành khuyến nghị.

TS-can-van-luc-reatimes

TS Cấn Văn Lực kiến nghị việc thực hiện phải nhanh, hiệu quả và giám sát tốt để đi đúng đối tượng, tránh thất thoát.

Năng lực thực hiện cũng là vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Theo một số ý kiến, Việt Nam đi sau, muốn về đích như các nước và hiệu quả thì ngoài bộ máy thực thi tinh nhuệ, chúng ta cần những quy định pháp luật ngoại lệ để triển khai.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đề xuất: Trước khi triển khai gói hỗ trợ mới cần rà soát lại mức thực chi các gói hỗ trợ cũ để có số liệu tổng thể gói kích thích kinh tế chuẩn xác hơn. Bên cạnh nguồn lực rất quan trọng thì cần phải chú trọng thời gian thực hiện phải nhanh, hiệu quả và phải giám sát tốt để đi đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất gói kích thích phục hồi kinh tế với quy mô 800.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Thị trường. Mọi thông tin liên hệ vui lòng gửi qua email: info.saigondaily2022@gmail.com