Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng yêu cầu của người dân, giá cả không biến động thất thường, thị trường hàng hóa ở một số tỉnh thành phía Nam được ghi nhận là đã thích ứng với trạng thái bình thường mới khi các địa phương lần lượt gỡ bỏ quy định về giãn cách.
Tính đến ngày 1/11, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3014/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Trên địa bàn Thành phố đã có 148/234 chợ truyền thống (tăng 06 chợ so với ngày hôm trước) chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, tính đến ngày 1/11/2021, có 02/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng Chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Cũng theo Bộ Công Thương, tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong sáng 1/11 ước đạt 6.379,9 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày. Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong ngày 1/11 tương đương so với ngày 31-10, ước đạt 2.155 tấn (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 862 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng 1.293 tấn/ngày).
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, số lượng tiểu thương hoạt động tại các chợ đạt khoảng 80-90% so với ngày thường. Sức mua tại các chợ trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ 3-5% so với ngày 31/10/2021. Hàng hoá tại các chợ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Giá bình quân một số mặt hàng rau quả ở các chợ truyền thống tăng nhẹ như cải bẹ xanh, cải ngọt…, các mặt hàng khác không thay đổi so với ngày trước. Qua nắm thông tin trên địa bàn quản lý, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, sốt giá và khan hiếm hàng hóa.
Tại các khu vực cách ly vẫn đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhiệm vụ. Hàng hoá dự trữ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ dồi dào, đa dạng, đảm bảo cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Lượng người mua sắm tăng 5-10% so với ngày 31/10/2021. Sức mua tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ đạt khoảng 70-80% so với ngày thường.
Tại tỉnh Bạc Liêu, các hệ thống phân phối cửa hàng Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart, chuỗi cửa hàng Coop.Food vẫn hoạt động và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các Kênh bán hàng online của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giao hàng đến từng hộ gia đình nên đã giảm lượng người tập trung mua hàng. Các mặt hàng thiết yếu đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng người dân.
Trên địa bàn tỉnh có 64 chợ, đến nay có 01/64 chợ Phường 2 (vùng đỏ) đã tạm thời ngưng hoạt động, 09/64 chợ tạm ngừng hoạt động một phần chợ, giảm số tiểu thương trong chợ hoặc tiểu thương di dời sang khu vực khác do liên quan đến ca mắc Covid-19 hoặc nằm trong vùng đỏ như: 04 chợ trên địa bàn thị xã Giá Rai (chợ Nọc Nạng, chợ Hộ Phòng, chợ Khúc Tréo, chợ Nhàn Dân); 02 chợ trên địa bàn huyện Hồng Dân ngừng hoạt động một phần (chợ Ninh Quới, chợ Vĩnh Phú); 02 chợ trên địa bàn huyện Phước Long (Chợ trưởng tòa, chợ Phó Sinh), khu vực Chợ Phước Long nhà lồng thị trấn Phước Long phong tỏa (78 tiểu thương), nên các hộ tiểu thương mua bán được di dời sang khu vực khác, lượng tiểu thương giảm còn 15 hộ. Các chợ còn lại trên địa tỉnh vẫn duy trì hoạt động. Nguồn cung hàng hóa trong tỉnh hiện nay tương đối đầy đủ, giá cả ổn định, đáp ứng kịp thời, phục vụ nhu cầu cho người dân.
Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phía Nam khác không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.