Giao dịch đến cả tỷ đồng
Gần đây, trên các diễn đàn, hội nhóm bán cây cảnh đang rầm rộ các hoạt động mua bán, trao đổi cây cảnh là "lá đột biến". Hoạt động giao dịch cây cảnh trên các diễn đàn này diễn ra tương tự hình thức bán đấu giá, thường bắt đầu bằng việc người bán đăng hình ảnh sản phẩm rồi người mua vào trả giá. Người bán sẽ chốt bán cho người mua trả giá cao nhất.
Có nhiều loại cây cảnh khác nhau được đăng bán trên các diễn đàn, giá từ vài trăm nghìn cho đến cả chục triệu đồng/lá. Trong đó, phổ biến nhất là monstera (trầu bà Nam Mỹ) với rất nhiều dòng từ bình dân đến cao cấp.
Theo một chủ nhà vườn ở Huế, các dòng monstera như én, aurea hay Thai constellation có giá dao động từ 10-50 triệu đồng/lá tùy loại đột biến và kích thước lá. Với những dòng cao cấp đang được săn lùng như mint hay hồng hạc, giá mỗi lá có thể lên đến 100-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Cũng theo chủ vườn này, mức giá giữa cây thông thường và cây đột biến cũng có sự chênh lệch lớn. Nếu một cây monstera hồng hạc thông thường được bán với giá 1 triệu đồng, nhưng cây được giới đầu tư cho là đột biến khẳng định có thể được giao dịch đến 500 triệu đồng.
Chị Thư K. (chủ một vườn Monstera tại Ninh Thuận) cho biết, vườn đã bán nhiều cây Mint có giá vài trăm triệu đến tiền tỷ/cây, gần đây nhất là cây Mint 5 lá giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Tương tự, đại diện một cửa hàng cây cảnh tại TP.HCM khẳng định đơn vị có vườn Monstera đủ loại bên Thái Lan, khách cần là có. Nhưng Mint có nguồn gốc từ Thái Lan, cây có lá màu trắng điểm trên nền xanh đang có giá cao nhất do cây mới, hiếm. Theo đó, cây 6-8 lá được bán khoảng 3-5 tỷ đồng, lá ít hơn thì trên dưới 1 tỷ mỗi cây tùy thời điểm.
Anh T.T - chủ một cửa hàng cây cảnh ở quận Tân Bình cho biết anh chơi Monstera hơn 2 năm nay. Monstera có 15 loại đột biến được ghi nhận có trong tự nhiên, và nhiều loại được cấy ghép đột biến sau đó. Riêng tại Việt Nam, cây này được chơi nhiều trong 2 năm qua, với các dòng phổ biến như Albo, Thai constellation, White, Mint...
"Không giống lan đột biến, vì Monstera có sàn giao dịch thế giới, mua bán nhiều giữa các quốc gia. Tuy vậy, giá cây này không ổn định bởi phụ thuộc nhiều vào độ hiếm, thị hiếu. Người chơi nên cân nhắc khi đầu tư", anh Tùng nói.
Cẩn trọng trước nguy cơ “sốt ảo”
Một người chơi cây cảnh lâu năm tại Thạch Thất, Hà Nội cho biết, giao dịch kiểng lá hiện phổ biến ở khu vực phía Nam, còn ngoài Bắc thì chưa rộ thú chơi này. Tuy nhiên, có nhiều giao dịch loại cây cảnh này đạt giá trị lớn và bắt đầu gây sự chú ý trên thị trường. Điều này có thể khiến gian thương “nhòm ngó" tìm cơ hội đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường. Ông cho rằng những người chơi cây cảnh nói chung và chơi kiểng lá nói riêng nên chú trọng đến giá trị thật của cây chứ không nên chạy theo thị trường.
Trao đổi với truyền thông, Tiến sĩ Hà Thị Loan - giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM cho hay, dòng Monstera xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, nguồn gốc châu Mỹ. "Theo nghiên cứu, hiện loài cây này chủ yếu có giá trị về mặt sưu tầm làm cảnh và phong thủy theo quan niệm ở một số nơi, còn giá trị về y học, tự nhiên thì hầu như không có", bà Loan thông tin.
Ông Trương Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) nói, cây Monstera được du nhập vào Việt Nam từ lâu, hiện có hai dạng đột biến là dạng lỗ và dạng khía, nhưng giá không thể tiền tỉ được. "Chưa có nhà khoa học nào công bố tác dụng cụ thể của trầu bà ngoài giá trị làm cảnh", ông nói và khuyến cáo, người chơi cây cần cẩn trọng cách mua bán "nhị phân" - người bán và người mua lại cùng một hội để làm giá.
Ông Vương Xuân Nguyên (Chánh văn phòng Hội Sinh Vật cảnh thành phố Hà Nội) cho biết, nguồn gốc của những loại cây này đều là những cây nhập khẩu, khó kiểm chứng xuất xứ cũng như xác định đột biến hay thường biến để xác định đột biến thế nào.
Theo ông, việc giao dịch cây cảnh nói chung và kiểng lá nói riêng trên Facebook tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người chơi cần hết sức tỉnh táo. "Cũng giống như lan đột biến “lan var”, bên cạnh những người làm ăn chân chính sẽ có những thành phần lợi dụng mạng xã hội để ăn theo, lừa đảo gây nhiễu loạn thị trường như thời gian vừa qua báo chí và các cơ quan chức năng vừa qua đã thông tin", ông Nguyên chia sẻ.
T. Linh
Link nội dung: https://saigondaily.vn/canh-bao-con-sot-ao-cay-canh-dot-bien-co-gia-tien-ty-mot-la-a938.html