Tăng cường công tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai mạnh mẽ, bình quân tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với dân số 14,1 triệu người (Số liệu Tổng cục Thống kê, 2019), chiếm 14,7% tổng dân số cả nước, cư trú thành cộng đồng phân bố rộng khắp trên 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đây là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, với môi trường sinh thái đa dạng, tạo điều kiện cho phát triển nông lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái,...

Tuy nhiên khu vực sinh sống của đồng bào DTTS thường là những khu vực núi cao, có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thường xuất hiện thiên tai lũ lụt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng thấp kém làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng như ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Những kết quả ấn tượng

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp.

Giai đoạn 2016 - 2020, tính đến tháng 6/2019, ngân sách nhà nước đã bố trí 64.111 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và một số chính sách an sinh xã hội. Tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 41.449 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng), với trên 90% nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; dần hình thành các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ.

2
Ảnh minh họa)

Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần được tăng cường và cải thiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2% (tăng 4,2% so với năm 2015). Trên 95% số ki-lô-mét đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa. Trường học kiên cố đã đạt 91,3% (tăng 14,2% so với năm 2015). Tỷ lệ các trạm y tế xã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 99,6%. Tình trạng trạm y tế thiếu kiên cố hoặc đơn sơ còn rất ít và chủ yếu tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 14/20 trạm y tế.

Mặc dù đã có những chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân dần được nâng cao và tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lộ hộ tái nghèo, nghèo phát sinh còn cao do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán,… Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS còn chưa cao, có tới 19,1% người từ 15 tuổi trở lên chưa thông thạo tiếng Việt; Tỷ lệ lực lượng lao động là người DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chỉ chiếm 10,3%. Công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều bất cập. Tình trạng du canh, du cư, di cư tự do, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật có nơi, có lúc diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ....

Tăng cường công tác hỗ trợ giảm nghèo khu vực đồng bào DTTS và miền núi

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14, Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 15-2-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về việc triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án có một số nội dung trọng tâm như sau:

Về phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, chú trọng kinh tế tập thể. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại và phát triển bền vững. Đầu tư có trọng điểm, phù hợp với đặc thù của từng khu vực. Phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị. Tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với sản phẩm gỗ rừng trồng. Tuy nhiên cần rà soát, cơ cấu lại đất đai, giao rừng gắn với định canh, định cư. Đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Áp dụng sản xuất sạch trong sản xuất công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động.

(1) (2)
Ảnh minh họa)

Khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa, tôn trọng đến văn hóa địa phương ở vùng DTTS. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các chợ biên giới, chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp, hướng tới tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của người dân.

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội, quy hoạch phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và dự bị đại học dân tộc. Tiếp tục thực hiện đồng bộ để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ. Gia tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học, hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực và giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo sinh kế cho thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS. Tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào, giảm gánh nặng chi phí chăm sức khỏe. Quan tâm thực hiện một số chính sách cụ thể như: thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách và khuyến khích sinh con tại các cơ sở y tế, chính sách phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn bản,…

Về công tác quốc phòng an ninh, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ, tuyên truyền vận động nhân dân về đường lối chính sách, mục tiêu phát triển của đất nước trong tình hình mới, từ đó giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Động viên người dân tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Tổ chức tốt công tác nắm tình hình ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền nhằm giải quyết các tình huống phát sinh.

Thùy Linh

Link nội dung: https://saigondaily.vn/tang-cuong-cong-tac-ho-tro-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dong-bao-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-a538.html