Từ khi chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới của HOSE do FPT xây dựng vào ngày 5/7, tình trạng quá tải trên thị trường chứng khoán đã được khắc phục đáng kể. Tuy vậy, điều này không làm thị trường quên đi rằng cơ quan quản lý vẫn đang "nợ" nhà đầu tư một hệ thống giao dịch hiện đại, cho phép phát triển các sản phẩm mới theo gói thầu với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX).
Thời gian qua, chứng khoán đã vươn lên trở thành một kênh đầu tư thông dụng với người dân Việt Nam, bên cạnh hai kênh vàng và bất động sản. Năm 2020, thị trường chứng kiến khoảng 1,7 triệu tài khoản chứng khoán mở mới. Lũy kế sau 9 tháng đầu năm, con số này đã đạt hơn 1 triệu tài khoản, vượt tổng số lượng tài khoản mở mới trong suốt 19 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Việt Nam vươn lên là 1 trong 4 quốc gia có tổng vốn hoá thị trường chứng khoán trên GDP vượt 100%. Trong đó, động lực của nhà đầu tư cá nhân hiện đang rất lớn, không chỉ số lượng tham gia mà cả độ trưởng thành cũng khiến chúng ta bất ngờ. Mấy năm trước khi nhà đầu tư ngoại hay tổ chức ngoại bán ròng sẽ khiến toàn thị trường lo lắng, tuy nhiên bây giờ điều đó chỉ để cho nhà đầu tư cá nhân tham khảo", ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HoSE cho biết.
Lãnh đạo HoSE cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư với lộ trình đa dạng hóa sản phẩm như giao dịch trong ngày, bán khống, quyền chọn cổ phiếu,… trên nền tảng hệ thống giao dịch mới đang chuẩn bị được triển khai.
"Hiện nay, chúng tôi đang đi đến bước cuối cùng trong gói thầu với KRX và bước tiếp theo là làm việc với các công ty chứng khoán. Khoảng cuối quý 1, đầu quý 2 năm 2022, hệ thống mới này sẽ đi vào vận hành và thời gian áp dụng các sản phẩm đầu tư mới theo đó sẽ không xa", ông Trà chia sẻ.
Về thị trường chứng khoán, dịch COVID-19 hiện vẫn là nỗi lo lớn của nhà đầu tư. Dù dịch có được kiểm soát thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa thể phục hồi ngay được. Do vậy, việc chọn doanh nghiệp cũng như nhóm ngành theo ý kiến các chuyên gia đầu tư là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Điều hành quỹ VESAF, VinaCapital, cho biết: "Trong danh mục được xây dựng, chúng tôi ưu tiên các doanh nghiệp có sức bật nhanh sau dịch bệnh, kể cả họ là ngành thâm dụng lao động và trong giai đoạn dịch chỉ hoạt động được 50% công suất, nhưng khi kinh tế mở cửa lại trở lại, họ đã khôi phục gần như ngay về mức 80% nhờ có tỷ lệ tiêm phủ vaccine tốt, cung cấp chính sách phúc lợi tốt để giữ chân người lao động. Chúng ta cũng cần để ý đến các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, khả năng cắt giảm chi phí linh hoạt theo tình hình dịch",
Chia sẻ về góc nhìn thị trường giai đoạn tới, các nhà điều hành quỹ đầu tư VinaCapital đặt kỳ vọng vào những cổ phiếu thuộc nhóm xuất khẩu trực tiếp, logistics, cảng biển, bất động sản công nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng sẽ là một chủ đề đầu tư quan trọng, không chỉ đối với các doanh nghiệp công nghệ mà cả nhóm ngân hàng, bán lẻ có lợi thế công nghệ để tạo sức cạnh tranh.
Tiên Nguyễn
Link nội dung: https://saigondaily.vn/hose-van-hanh-he-thong-giao-dich-moi-vao-quy-22022-a5299.html