Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Với mục tiêu, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của giai đoạn 2015 - 2020. Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhiệm vụ chính của đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển. Khôi phục và phát triển rừng, trồng mới 20.000 ha rừng, trong đó Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn) gồm 9.800 ha, ừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát) là 10.200 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha.
15.000 ha để trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng. 6.800 ha là rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn). 8.200 ha là diện tích rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành; tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển; tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ quản lý, giám sát.
Ngoài ra, giải pháp khác là thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên: Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long; trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển; giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc giới phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ quản lý rừng.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, 5 năm và tổng kết 10 năm; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh Đề án, bổ sung các dự án, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án tại địa phương theo quy định.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://saigondaily.vn/de-an-bao-ve-va-phat-trien-rung-vung-ven-bien-giai-doan-2021-2030-duoc-phe-duyet-a5062.html