Cần đổi mới cách tiếp cận chính sách an sinh xã hội qua đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID -19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề đảm bảo an sinh xã hội nói riêng.

Theo phân tích của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chuỗi cung ứng toàn cầu có sự thay đổi lớn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thời kỳ khủng hoảng này cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 khiến kinh tế các nước kiệt quệ, thương mại toàn cầu giảm sút, trong đó các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cũng chao đảo vì khủng hoảng. WEF cho rằng, đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch. Đại dịch Covid-19 đã tấn công thương mại và đầu tư toàn cầu với tốc độ và quy mô chưa từng có. Các công ty đa quốc gia phải đối mặt với cú sốc nguồn cung nguyên liệu, tiếp đến là cú sốc về nhu cầu khi ngày càng nhiều quốc gia áp lệnh cách ly và giãn cách xã hội. Các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân đột nhiên gặp khó khăn trong việc mua sắm các sản phẩm và nguyên liệu cơ bản, đồng thời buộc phải đối mặt với sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại. Tradeshift, một nền tảng toàn cầu về quản lý chuỗi cung ứng, cho biết mức độ ảnh hưởng lớn của đại dịch đến thương mại và nhu cầu. Cụ thể, Trung Quốc, giao dịch thương mại trong nước và quốc tế đã giảm 56% so kể từ giữa tháng 2/2021. Trong khi đó Mỹ, Anh và châu Âu cũng chứng kiến mức giảm 26% vào đầu tháng 4 và tiếp tục giảm 17% vào cuối tháng 4 vừa qua.

Ở Việt nam, theo Dự báo của Ngân hàng thế giới (World Bank) công bố ngày 24/8/2021, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, mặc dù nền kinh tế đã ghi nhận kết quả vững chắc trong nửa đầu năm. Dự báo này, thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12 năm 2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 thứ 4 này đến các hoạt động kinh tế.

thi-truong-lao-dong-sau-dai-dich-1633267493.jpg

Cần nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động sau đại dịch

Điều đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đảm bảo an sinh xã hội, và thực sự cần nghiên cứu đổi mới cách tiếp cận chính sách an sinh xã hội để có thể thích ứng với tình hình mới và nhiều rủi ro. Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO (Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2020-2022), cho biết. “Đây là thời điểm then chốt để tận dụng những chính sách ứng phó đại dịch nhằm xây dựng các hệ thống an sinh xã hội thế hệ mới dựa trên quyền. Những hệ thống này có thể giúp giảm nhẹ tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đem lại sự đảm bảo cho người lao động và các doanh nghiệp để họ có thể ứng phó với những sự chuyển đổi trước mắt với sự tự tin và niềm hy vọng. Chúng ta phải công nhận rằng an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng mà còn để tạo lập một tương lai bền vững và có sức chống chịu.”[1], cụ thể đó là:

(1) Về chính sách đảm bảo thu nhập: Thời kỳ khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, việc đảm bảo thu nhập cho người lao động cần được đặc biệt ưu tiên, đó là việc nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giai đoạn hồi phục phía cung và cầu lao động đều tăng do vậy thông tin về thị trường lao động cần đặc biệt quan tâm để đạt hiệu quả tốt nhất của thị trường lao động. Bên cạnh đó, là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phía cung cần tập trung chính sách cho vay, miễn giảm thuế…Đồng thời, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, tác động của đại dịch sẽ làm cơ cấu ngành nghề thay đổi, nhiều ngành mới tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, nghề yêu cầu kỹ năng cao sẽ tăng, các ngành nghề yêu cầu kỹ năng trung bình và thấp sẽ giảm. Vì vậy, vấn đề giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm như hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hoà nhập thị trường lao động… cần được quan tâm hơn nữa nhằm hỗ trợ người lao động qua trở lại thị trường. Hơn nữa, hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác và tạo nhiều chỗ làm việc để thu hút người lao động.

(2) Về chính sách bảo hiểm: Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để người lao động duy trì được sự tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời với việc đẩy mạnh tuyên truyền việc chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ tích cực và là giá đỡ của người lao động nói riêng và người dân nói chung vượt qua những khó khăn của đại dịch. Cần có chiến lược tuyên truyền sắc hơn để người lao động, người sử dụng lao động và người dân thấy rõ được chính sách BHXH là một biện pháp an sinh xã hội chủ động và bền vững nhất cho mọi người dân. Do vậy, cần đa dạng các phương thức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội để người sử dụng lao động, người lao động và người dân thấy rõ bản chất ưu việt của BHXH là một chính sách ASXH trụ cột của Nhà nước, được Nhà nước quản lý và bảo hộ. Trong đó tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phối hợp trong tuyên truyền và thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt chính sách BHXH tự nguyện, tăng cường phối hợp giữa các cấp các ngành, đoàn thể, vai trò các hội, đoàn thể  như: Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… Đồng thời, đề xuất sửa đổi chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc hỗ trợ phí đóng BHXH tự nguyện ở một mức nhất định nhằm đảm bảo tính công bằng, tuy nhiên ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như: người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp, nông thôn… đảm bảo để những người thực sự có nhu cầu tham gia, hộ có thu nhập ổn định, song thu nhập của họ còn hạn chế, chưa đủ kinh phí để duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt là giai đoạn hồi phục sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó là việc thực hiện kịp thời, chính xác và minh bạch các chính sách BHXH, BHYT và BHTN để hỗ trợ người lao động, người dân vượt qua những khó khăn thông qua những hỗ trợ về thu nhập, y tế, giáo dục nghề nghiệp … là một biện pháp tuyên truyền và thu hút người lao động, nhất là lao động tự do, lao động thu nhập thấp chủ động và tích cực tham gia BHXH.

an-sinh-xa-hoi-trong-dai-dich-1633267488.jpeg

Về lâu dài, cần xem xét xây dựng sàn an sinh xã hội cùng với việc đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân do các rủi ro gây ra

(3) Về chính sách trợ giúp xã hội: Cần xác định rõ những ai bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và những ai bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, lao động tự do, lao động bị mất việc làm, … để có chính sách hỗ trợ sớm vượt qua khó khăn do hậu quả của dịch bệnh.

Về lâu dài, xem xét xây dựng sàn an sinh xã hội cùng với việc đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân do các rủi ro gây tác động đến, tạo nên những giá đỡ bền vững, mọi người không bị rớt khỏi sàn, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Về trợ giúp đột xuất, nên nghiên cứu xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp để có thể hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân gặp khó khăn bên cạnh nguồn hỗ trợ gạo như hiện nay chủ yếu mới đáp ứng được hỗ trợ về lương thực.

(4) Về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin truyền thông, môi trường cần đặc biệt quan tâm đến hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở, qua phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, năng lực của hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở còn rất hạn chế về nguồn lực con người, về nguồn lựcvật chất và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, là hệ thống cơ sở dữ liệu từ cơ sở còn thiếu và yếu, thiếu kết nối, chia sẻ do vậy chưa kịp thời cung cấp thông tin để có thể nắm bắt cụ thể để kịp thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp. 

(5) Về công tác tổ chức thực hiện, phối hợp và huy động sự tham gia của các các cá nhân, tổ chức và toàn xã hội cần thiết phải có chiến lược về việc huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể trong việc ứng phó với các rủi ro nhằm tăng cường sự phối hợp trong khắc phục rủi ro. Đặc biệt quan tâm việc xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đến cấp cơ sở có khả năng kết nối và chia sẻ để có thể kịp thời có giải pháp khắc phục đối với những rủi ro như dịch bệnh vừa qua.

(6) Về công tác dự báo trong chính sách an sinh xã hội cần tiếp tục đổi mới để chủ động hơn trong phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu các rủi ro, đồng thời cân nhắc nghiên cứu xây dựng quỹ an sinh xã hội phòng khi có những rủi ro như thiên tại, dịch bệnh,…huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tránh những việc từ thiện tự phát khó kiểm soát.

Nhìn chung, đã đến lúc chúng ta cần có những cách tiếp cận mới hơn về chính sách an sinh xã mà theo ILO, để ít nhất đảm bảo được an sinh xã hội cơ bản, mỗi năm các nước thu nhập thấp sẽ phải đầu tư thêm 77,9 tỷ đô la Mỹ (USD), các nước có thu nhập trung bình thấp hơn sẽ phải đầu tư thêm 362,9 tỷ USD và các nước có thu nhập trung bình cao hơn phải đầu tư thêm 750,8 tỷ USD. Những con số này tương ứng với 15,9%, 5,1% và 3,1% GDP của họ. Các quốc gia hiện đứng trước sức ép lớn phải củng cố tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng. Nhưng nếu các quốc gia cắt giảm an sinh xã hội, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Đây mới chính là lĩnh vực cần thiết phải được đầu tư ngay lúc này[2]./.

[1] Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2020-2022, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

[2] Theo Văn phòng ILO tại Việt Nam, về báo cáo an sinh xã hội thế giới 2020-2022 

TS. Bùi Sỹ Tuấn

Link nội dung: https://saigondaily.vn/can-doi-moi-cach-tiep-can-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-qua-dai-dich-covid-19-a4984.html