Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng trên các đường bay nội địa, bắt đầu từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022. Mức giá sàn được quy định như sau: Tại nhóm đường bay dưới 500km là 340.000 đồng, trong đó các đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng; từ 500km đến dưới 850km là 440.000 đồng; từ 850km đến dưới 1.000 km là 560.000 đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km là 640.000 đồng; từ 1.280km trở lên là 750.000 đồng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam thông tin chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và nhà nước. Nếu đề xuất này được thông qua, mức sàn cho giá vé máy bay với mức tối thiểu cho chặng bay ngắn nhất là 320.000 đồng/vé/chiều và sẽ không còn các vé "0 đồng" như hiện nay.
Các hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways đều đánh giá tác động tích cực đối với chính sách áp giá sàn vé máy bay. Cả 3 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng, mức giá tối thiểu hợp lý sẽ là công cụ điều tiết tốt cho hãng, tác động tích cực đến doanh thu đường bay trên cơ sở vẫn đảm bảo sức mua của thị trường.
Đối với doanh nghiệp lữ hành cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay có thể giúp khách hàng hưởng lợi khi cùng một mức giá mà có nhiều lựa chọn hãng bay khác với dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, về phía đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng khi lượng khách có thể giảm đi. Bởi, một trong những yếu tố thu hút số lượng lớn khách du lịch cả nội địa và quốc tế trong những năm qua phải kể đến vai trò của các hãng hàng không chi phí thấp, hãng hàng không giá rẻ.
Hai hãng bay là Vietravel Airlines và Vietjet cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.
Trong đó, Vietravel Airlines cho rằng áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu. "Hậu Covid-19" việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách.
Còn Vietjet thì cho rằng, chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không. Chính sách này cũng không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch Covid-19 kết thúc.
Theo Vietjet, dự thảo chưa xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng và toàn diện những tác động tiêu cực của chính sách đối với các hãng hàng không tư nhân và các đối tượng khác chịu tác động trực tiếp bởi chính sách này như người tiêu dùng, các tổ chức cung ứng hàng hoá, dịch vụ có liên quan.
"Chính sách giá này đưa ra chỉ nhằm giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines, thể hiện sự ưu ái cá biệt dành cho doanh nghiệp nhà nước, không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa Vietnam Airlines và các hãng hàng không tư nhân nội địa. Việc ban hành giá sàn không đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế", Vietjet nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với một số hãng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, tài chính cũng cho rằng việc áp giá sàn có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ.
Theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhận định, áp giá sàn là thiếu tính cạnh tranh, giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. "Đó là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng" và "Những năm qua, nhà nước đã có những chính sách tương đối tốt để hỗ trợ các hãng tư nhân, góp phần tạo nên một thị trường phát triển, cạnh tranh sôi động, cũng như giúp nhiều người dân được đi máy bay hơn. Nhà nước nên tiếp tục giám sát, giữ quan điểm khách quan trong việc này".
Còn TS. Ngô Trí Long (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất áp giá sàn vé máy là phi thị trường, trái luật định về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Trong Luật Hàng không (ra sau Luật Giá), thị trường vận tải hàng không, không có quy định giá trần và giá sàn.
Từ những phân tích của các chuyên gia kinh tế, có thể nhận định. Nếu dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được chấp thuận, thì khả năng khách hàng sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh và không có lợi cho người dân.
Và nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Và khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...
Việc áp dụng giá sàn vé máy bay sẽ dấn tới thiếu công bằng, một hãng 3 sao phải bán giá vé như hãng 5 sao, thì sẽ rất ít người mua vé của hãng 3 sao. Vì vậy, chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản tô hết sức bất hợp lý cho nền kinh tế./.
Bảo Huy - Nguyễn Long
Link nội dung: https://saigondaily.vn/ap-gia-san-ve-may-bay-khach-hang-mat-co-hoi-bay-voi-gia-ve-0-dong-a4977.html