Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Airlines - cho hay trước tác động của dịch COVID-19, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn.
Dẫn chứng là nếu như trong tháng 3-2020 khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, trên bầu trời chỉ có 3 chuyến bay thì đến tháng 7 và tháng 8-2021 "không có chuyến bay nào".
Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines nhận được gói hỗ trợ 12.000 tỉ, nhưng ông Hòa cho biết năm 2021 tác động từ dịch bệnh "ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều". Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm lỗ 7.000 tỉ đồng và nhiều hãng hàng không khác cũng lỗ lên tới hàng ngàn tỉ đồng, nên rất kỳ vọng vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, chuyển từ "zero COVID" sang "thích ứng an toàn".
Về đề xuất áp giá sàn vé máy bay, chủ tịch Vietnam Airlines cho biết năm 2020 và 2021, giá vé máy bay giảm còn 40% so với năm 2018 và 2019, khi mà tất cả các hãng hàng không đều không phải tạm dừng các chặng bay.
Thực tế đến giờ, có khoảng 250 máy bay của các hãng đều nằm ở các sân bay, "thậm chí không còn đủ chỗ đậu".
"Bất kỳ khi nào thị trường có khả năng bay thì các hãng hàng không đều cho máy bay bay và đưa ra giá vé chủ yếu để đỡ hỏng máy bay, giá vé còn thấp hơn giá vé xăng dầu của một chuyến bay. Tuy nhiên vẫn phải bay, vì nếu không bay thì không có chỗ đậu, không bay thì máy bay hỏng, và để có ít dòng tiền trợ giúp hãng hàng không" - ông Hòa nói.
Với mức giá vé máy bay "thấp như hiện nay", theo ông Hòa, cũng làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không trong khi đây là tiêu chuẩn cực kỳ cao. Do đó, nếu các hãng hạ giá vé mà thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng đến chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia.
Ông dẫn chứng, Indonesia có một số hãng hàng không hạ giá vé máy bay nên đã bị châu Âu và Mỹ cấm vận bay và xảy ra tai nạn. Do đó, nước này đã đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.
Chưa kể, việc hạ giá vé máy bay khiến cho "tất cả các hãng hàng không đều yếu", dẫn tới lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh.
"Tất nhiên giá vé máy bay này là có ảnh hưởng đến bà con đi lại. Nhưng nói chung là ảnh hưởng chung đến xã hội, nếu phá sản cũng ảnh hưởng chung nguồn lực xã hội. Nhiều nước đã áp dụng giá này rồi, như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia" - ông Hòa nêu.
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không phù hợp. Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc áp giá sàn vé máy bay, dù chưa ban hành, là điều không công bằng.
"Một hãng 3 sao phải bán giá như hãng 5 sao thì ai mua của hãng 3 sao? Rõ ràng nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không. Không thể như vậy được" - ông Dũng nêu vấn đề.
Cũng nhìn nhận chính sách áp giá sàn vé máy bay là không phù hợp, TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tránh đưa ra những biện pháp làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Đặc biệt, theo ông Lực, khi vừa qua một số đề xuất mới như áp giá sàn vé máy bay đã gây khó và hoang mang cho doanh nghiệp, tạo sự không đồng thuận vì cho rằng vi phạm Luật giá, Luật doanh nghiệp và thiếu công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân./.
Link nội dung: https://saigondaily.vn/vietnam-airlines-khong-ha-gia-ve-vi-ly-do-an-toan-a4893.html