Kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN gần đây cho thấy trong giai đoạn từ 2001 - 2019, đổi mới công nghệ và hấp thụ công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam. Giai đoạn 2001 - 2019, đầu tư thực tế vào ứng dụng, đổi mới công nghệ trên lao động tại Việt Nam tăng gần 250%.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011 - 2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016 - 2020). Tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 - 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.
Từ năm 2015 - 2019, đổi mới công nghệ đã vượt qua thâm dụng vốn để trở thành động lực chính của tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động. Tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động trung bình là 5,64% trong giai đoạn 2015-2019. Thâm dụng vốn đã đóng góp 55% (3,06% trong tăng trưởng tổng thể 5,64% mỗi năm), 45% còn lại (2,58%) là đóng góp của TFP vào tăng trưởng. Đáng chú ý là tác động của ứng dụng, đổi mới công nghệ có xu hướng ngày càng tăng trong giai đoạn này, vượt yếu tố tăng cường vốn để trở thành nhân tố có đóng góp lớn nhất tới tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động. Kết quả đánh giá cho thấy nỗ lực đổi mới công nghệ đã đóng góp tới 3,3% trong mức tăng tổng 5,6% của sản lượng trung bình hàng năm trên mỗi lao động.
Đóng góp của TFP vào tăng trưởng sản lượng đầu ra trên lao động đến từ: Nỗ lực của các doanh nghiệp dẫn đầu trong nâng cao sản lượng tiềm năng (đường biên công nghệ không điều kiện) của ngành; cải thiện hiệu suất (nâng cao hiệu quả kỹ thuật) của các doanh nghiệp trung bình (các doanh nghiệp đi sau) trong hoạt động sản xuất; tác động của đầu tư liên quan đến đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp dẫn đầu nhằm gỡ bỏ các rào cản trong nâng cao hiệu suất và năng lực công nghệ.
Đáng chú ý, dù giá trị tuyệt đối còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp đã chiếm phần đáng kể trong đầu tư và phát triển (R&D). Tỉ lệ các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia, tỉ lệ này có thể so sánh với Singapore (52%), Hàn Quốc (77%) và Trung Quốc (77%). Trong những năm gần đây tại Việt Nam có nhiều hơn các doanh nghiệp mở rộng hoạt động R&D.
Các chuyên gia kinh tế đã phân tích, tăng 1% ngân sách cho R&D có thể mang lại khoảng 106 nghìn tỷ đồng cho GDP thực của Việt Nam (theo giá năm 2010). Con số này xấp xỉ 1,0% tổng GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, đến năm 2045, tăng 1% tốc độ tăng đầu tư cho R&D sẽ tạo thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, khoảng 3,7% tổng GDP thực năm 2045.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ ngày càng có vai trò thiết yếu để doanh nghiệp cạnh tranh và thịnh vượng. Do vậy, chỉ có ứng dụng và đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp Việt mới nâng cao được hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Mai Đan
Link nội dung: https://saigondaily.vn/doi-moi-cong-nghe-thuc-day-tang-truong-kinh-te-tai-viet-nam-a4786.html