Sáng 22-9, tại phiên họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát - cho biết mục đích nhằm xem xét, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030...
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã như thế nào để bộ máy tinh gọn, hiệu lực và chi thường xuyên hiệu quả hơn. Trước hết giám sát phải trả lời được câu hỏi sau sáp nhập và tinh giản biên chế, đầu mối có giúp giảm chi phí ngân sách hay không.
"Trước hết, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, có tinh giản được đầu mối và biên chế, đi liền đó là tiết giảm về ngân sách hay không bởi đã có nơi 'khoe' sắp xếp tốt lắm, nhưng chi thường xuyên không giảm hoặc giảm chút ít, đó là thực tế", ông Huệ nhấn mạnh.Từ cách tiếp cận trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát ngoài báo cáo của tỉnh cần bám sát số liệu của Bộ Tài chính, "không nghe, không nhìn một chiều để đảm bảo thông tin khách quan, độc lập".
Đoàn giám sát cũng cần tìm hiểu sau khi sắp xếp xong, "tình hình ở địa phương có ổn định, tư tưởng có thông không? Có vấn đề gì phức tạp nảy sinh không?".
Ông Huệ nêu rõ, yêu cầu tiếp theo của việc sáp nhập huyện, xã là phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Việc sáp nhập không chỉ để giảm số lượng đơn vị hành chính đơn thuần mà thông qua đó, phải nâng cao hiệu lực bộ máy.
"Nếu hai anh yếu nhập lại thành một anh yếu thì không có ý nghĩa gì nhiều; một anh mạnh, một anh yếu nhập thành một anh yếu là không đạt; hai anh khỏe nhập lại thành một anh yếu thì chết", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông cũng yêu cầu đánh giá các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân, vì "đây mới là điều quan trọng chứ không phải chỉ là động tác ra nghị quyết nhập tách, tách nhập".
Ông Huệ cũng lưu ý giám sát không thể nghe một chiều, phải đảm bảo tính khách quan của số liệu và muốn biết tiết kiệm được chi phí như thế nào thì cứ bám sát số liệu của Bộ Tài chính. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần trả lời câu hỏi sau sáp nhập có đạt yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không, chỉ số hài lòng của người dân thế nào?
"Nếu hai anh yếu ghép lại vẫn thành một anh yếu thì không có ý nghĩa gì nhiều. Còn hai anh khỏe thành một anh yếu càng tệ nữa" - Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng. Theo tiến độ, đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết giám sát chuyên đề để gửi các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và gần 600 xã ở 45 tỉnh, thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo gần đây của Bộ Nội vụ, tổng số cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sau sắp xếp là 2.141 người, trong đó số lượng cán bộ, công chức cấp huyện được bố trí theo đúng quy định là 1.552 người, số dôi dư là 589 người.
Còn cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp là 18.834 người, được bố trí theo đúng quy định là 10.346 người, dôi dư là 8.488 người.
Theo ông Thăng, nghị quyết Đại hội XIII nêu "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nguyên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp". Tuy nhiên trong Luật Quy hoạch lại bỏ quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Vì vậy "sắp tới sẽ rất khó trong rà soát, đánh giá, tổng kết".
"Chúng tôi đã gửi báo cáo để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội sửa nghị quyết 1211", ông Thăng nói. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giai đoạn 2019 - 2021).
Tháng 3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về nội dung này, xác định các đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng./.
Theo Tầm nhìn
Link nội dung: https://saigondaily.vn/chu-tich-quoc-hoi-tai-sao-chi-thuong-xuyen-khong-giam-sau-khi-sap-nhap-huyen-xa-a4748.html