Nhìn từ góc độ logistics, luồng xanh vận tải là sự phối kết hợp một cách đồng bộ giữa 3 bộ phận chính là tuyến đường và phương tiện xanh; các đối tượng được phép di chuyển trong luồng xanh; và các biện pháp quản lý luồng xanh.
Tuyến đường và phương tiện vận tải trong luồng xanh
Theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), luồng xanh vận tải là tuyến đường lưu thông (đi, đến hoặc đi qua) kết nối giữa các khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các khu vực khác. Đây là những tuyến đường ưu tiên cho các phương tiện có thẻ nhận diện kèm theo mã QRCode hoạt động, bảo đảm lưu thông thông suốt và đáp ứng an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các tuyến xanh được chia thành hai cấp là các tuyến đường liên vùng, quốc gia, và các tuyến trong nội bộ tỉnh, thành phố. Ngày 07/7, TCĐBVN đã công bố hệ thống các tuyến đường xanh quốc gia theo hai khu vực phía Nam và phía Bắc.
Tại khu vực phía Nam, luồng xanh quốc gia có lộ trình cụ thể theo các tuyến quốc lộ giữa TP. HCM đi các tỉnh và ngược lại với 72 chốt kiểm soát trên các tuyến đường và vị trí giáp ranh giữa các địa phương. Các tuyến này chia theo 3 nhóm cụ thể; gồm 19 tuyến lưu thông giữa các tỉnh Đông Nam Bộ đến, đi qua TP. HCM; 12 tuyến giữa các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đến, đi qua TP. HCM; 16 tuyến lưu thông giữa các tỉnh Tây Nam Bộ đi qua TP. HCM. Khu vực miền Trung và miền Bắc cũng có 3 nhóm tuyến xanh quốc gia gồm: tuyến theo trục Bắc Nam; tuyến theo hệ thống đường cao tốc; và tuyến theo các trục kết nối các quốc lộ.
Mạng lưới này đã cho phép kết nối các tuyến đường vận tải huyết mạch chính trong cung ứng hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cả nước. Đồng thời hạn chế tối đa việc cắt ngang các khu vực dân cư, giảm thiểu tiếp xúc, giữ an toàn cho các khu dân cư và khu vực sản xuất. Cho phép tối ưu hóa nguồn lực trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm dịch bùng phát mạnh.
Các sở GTVT địa phương nhanh chóng quy định các tuyến đường xanh nội tỉnh, đấu nối với mạng lưới luồng xanh quốc gia. Đồng thời lựa chọn các vị trí dừng nghỉ và điểm kiểm soát phương tiện hợp lý. TP. Hà Nội hình thành 10 tuyến xanh nội bộ kết nối với 6 tuyến xanh quốc gia qua 22 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố. Các xe có lộ trình qua TP. Hà Nội sẽ chạy theo đường vành đai 3 và đi các tỉnh mà không đi qua trung tâm. TP. HCM là khu vực kinh tế lớn, tập trung dân cư đông đúc và mạng lưới sản xuất nông, công nghiệp dày đặc thì ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu với các tỉnh Đông Nam Bộ, các luồng xe ra vào cảng Cát Lái và vận chuyển hàng hóa trong vùng. Với ưu thế đường sông, TP. HCM cũng mở “luồng xanh đường thủy” kết nối với 4 tỉnh miền Tây (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) để vận chuyển hàng hóa bằng tàu cao tốc.
Về phương tiện, để đảm bảo an toàn chặt chẽ trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, luồng xanh vận tải cho phép các phương tiện có thẻ nhận diện hoạt động. TCĐBVN và các sở GTVT cấp phép cho các phương tiện tùy theo loại tuyến đường quốc gia, liên vùng hay nội bộ.
Hàng hóa và các đối tượng chuyên chở trong luồng xanh
Hàng hóa và các đối tượng chuyên chở trong luồng xanh cũng được quy định nhằm ưu tiên hàng hóa thiết yếu và các đối tượng cần thiết phải dịch chuyển để phục vụ sản xuất, đời sống, chống dịch và hỗ trợ chống dịch. Công văn số 4481 (Bộ Công Thương) đã kịp thời hướng dẫn chi tiết danh mục các hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, các thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch. Phục vụ hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép thi công.
Nhóm đối tượng lái xe, phụ xe, người xếp dỡ hàng hóa theo xe, người công vụ, công nhân, chuyên gia… khi lưu thông trên tuyến xanh cũng được yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Biện pháp quản lý luồng xanh
Để luồng xanh hiệu quả, một loạt các biện pháp triển khai, vận hành sáng tạo và linh hoạt được thực hiện:
Cấp quyền lưu thông trên luồng xanh cho phương tiện vận tải bằng thẻ nhận diện có kèm mã QR bằng hình thức trực tuyến nhanh chóng và thuận tiện. TCĐBVN cùng 63 sở GTVT đã áp dụng thống nhất phần mềm cấp mã QR qua cổng dịch vụ công (luongxanh.drvn. gov.vn). Đến nay, trên cả nước có hơn 80 ngàn phương tiện được cấp mã luồng xanh.
Đơn giản hóa quy trình kiểm tra: Thẻ nhận diện được chủ phương tiện tự in lên giấy dán trên kính phía trước và hai bên cửa xe. Khi kiểm tra, chỉ mất từ 3 – 5 phút để xem giấy tờ, quét mã QR Code bằng điện thoại và khớp thông tin với hệ thống lưu trữ luồng xanh. Với thẻ nhận diện được cấp, xe có thể không phải dừng lại để kiểm tra, khi các đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất.
Linh hoạt với các loại hàng hóa: các hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh được ưu tiên cao hơn trong luồng xanh. Bằng cách dán thêm nhãn “hàng mau hỏng” trên kính xe, các chốt kiểm soát sẽ dễ dàng nhận biết và xử lý để lưu thông nhanh nhất.
Khi nhận thấy các yêu cầu cần thiết, các sở GTVT nhanh chóng đưa ra các biện pháp bổ sung thêm các luồng xanh linh hoạt kịp thời. Đơn cử như luồng xanh đường thủy ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP. HCM. Luồng xanh phục vụ 2 dự án xây dựng đoạn đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc dự án xây dựng cao tốc tuyến Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 đang triển khai thi công đồng loạt, đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2023. Khi các tuyến đường có hiện tượng quá tải, các sở GTVT địa phương cũng được phép điều tiết, trao đổi để mở thêm “luồng xanh” giải tỏa hàng hóa.
P.V
Link nội dung: https://saigondaily.vn/van-tai-luong-xanh-giai-phap-logistics-linh-hoat-trong-phong-chong-dich-a4720.html