Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ‘tuýt còi’ việc chào bán, phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa phù hợp

Thời gian qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định pháp luật. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

4236_hYi_thYo

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn nhắc nhở các công ty chứng khoán tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại trong nước và chào bán TPDN ra quốc tế, thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: Một số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Theo UBCKNN, thị trường TPDN đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định pháp luật. Để phát triển thị trường TPDN theo hướng an toàn, bền vững, ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn, UBCKNN yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ nghiêm quy định Nghị định 153/2020/NĐ-CP; các công ty chứng khoán phải tuân thủ nghiêm quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư 122/2020/TT-BTC.

“Cơ quan quản lý sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan tới TPDN và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, đại diện UBCKNN cho biết.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lãi suất trái phiếu ở mức 12 - 13% thường là những doanh nghiệp không có nhiều tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, được các ngân hàng và công ty chứng khoán làm dịch vụ tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành đánh giá có độ rủi ro cao. Nhà đầu tư cần xem xét cẩn thận về doanh nghiệp, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành để đánh giá được mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển “nóng” của thị trường TPDN, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho biết: Về cơ cấu mua TPDN trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Ví dụ tại Mỹ, hệ thống ngân hàng chia làm 2 phân khúc là ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Theo đó, chỉ ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Trong khi đó tại Việt Nam, các ngân hàng vừa là ngân hàng thương mại, vừa là ngân hàng đầu tư.

“Chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành. Trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Trong khi đó, các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành chứ không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không? Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Thị trường TPDN đang tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn.

Với tính chất rủi ro cao, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đó là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành TPDN quy định: Chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao nên nhà đầu tư phải thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như: Công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Việc các doanh nghiệp như công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn việc mua trái phiếu. Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu, không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu” - Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính khuyến nghị.

Link nội dung: https://saigondaily.vn/uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-tuyt-coi-viec-chao-ban-phan-phoi-trai-phieu-doanh-nghiep-chua-phu-hop-a4682.html