Người dân đồng thuận, hưởng ứng
Để đảm bảo thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, mới đây Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải, hạn chót trước ngày 31/12/2021.
Các phương tiện bắt buộc phải thực hiện lắp đặt camera gồm: Xe có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái), xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ôtô theo quy định tại Nghị định 10/2020.
Đối với các đơn vị đã lắp đặt camera trên xe ôtô, cần báo cáo danh sách các xe đã lắp đặt camera (số lượng phương tiện đã lắp/số lượng phương tiện phải lắp) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng cùng với báo cáo kết quả hoạt động vận tải về Sở GTVT Hà Nội.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc các doanh nghiệp lắp đặt camera trên xe khách giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp giám sát được hoạt động ATGT trên xe. Đồng thời, có thể kiểm soát được công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên phương tiện vận tải, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Trước thông tin này, người dân Hà Nội bày tỏ sự đồng thuận, cho rằng việc lắp camera có rất nhiều lợi ích, giúp việc quản lý, ngăn ngừa và xử lý sai phạm diễn ra tốt hơn... “Tôi thường xuyên đi xe khách. Mỗi dịp lễ, Tết khẳng định là có tình trạng nhồi nhét, bắt khách dọc được, chạy sai hành trình... Tuy hiện nay CSGT xử lý nhiều nhưng không xuể. Việc lắp camera giám sát tôi thấy sẽ thuận tiện cho việc quản lý của cơ quan chức năng, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi khi dịch vụ xe khách ngày càng văn minh hơn“, chị Nguyễn Thị Bé (quê Nam Định, làm việc tại Hà Nội) chia sẻ.
Nhiều lợi ích khi lắp camera
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, có nhiều lợi ích khi lắp camera; trong đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể giám sát được trạng thái của lái xe như: nghe điện thoại, mất tập trung, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định và các hành vi mất an toàn giao thông khác…
“Nhiều nhà xe thấy việc lắp camera mang lại nhiều tiện lợi nên đã chủ động lắp trước dù chưa đến hạn, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Và trong giai đoạn hiện nay, hệ thống này lại đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, đại diện Sở GTVT thông tin.
Không phải ngẫu nhiên mà Công ty Cổ phần Vận tải Trọng Tuấn (trụ sở ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đầu tư kinh phí để lắp đặt bộ thiết bị này cho các xe khách của doanh nghiệp. Dù chi phí ban đầu khi lắp cho toàn bộ đầu xe không phải nhỏ nhưng so với lợi ích nó mang lại thì thật “đáng đồng tiền bát gạo”.
Giám đốc công ty Hoàng Trọng Tuấn đánh giá: “Việc lắp đặt thiết bị camera giám sát đảm bảo lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. Thông qua thiết bị này, bộ phận điều hành của Công ty có thể theo dõi được các thông số cần thiết của xe như tốc độ, đang chạy hay đang dừng đỗ, xe đang chạy chở khách có hay không bật máy điều hòa, số lượng khách trên mỗi chuyến xe..., từ đó có những cảnh báo, nhắc nhở và yêu cầu dừng vi phạm.
Ngoài ra, thông qua hệ thống camera được lắp đặt trên khoang hành khách, công ty còn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, thông qua hình ảnh video truyền tải trực tiếp từ các xe về, cán bộ và nhân viên Phòng Vận tải sẽ kịp thời nhắc nhở tài xế, phụ xe thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19; nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y”.
Theo chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các đơn vị vận tải đang băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị, do chưa có quy chuẩn. Do đó, cơ quan chức năng phải công bố quy chuẩn để doanh nghiệp không nhầm lẫn, bởi sẽ có có tâm lý “giá rẻ để lắp cho xong”, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch Covid-19.
Đánh giá về hiệu quả của việc lắp camera trên ô tô, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay việc chia sẻ thông tin quản lý vận tải bằng thiết bị camera hành trình giữa các cơ quan hữu quan còn hạn chế. Do đó, chúng ta phải có sự kết nối hệ thống để đảm bảo ATGT, không chỉ ngành giao thông, lực lượng công an và các ngành khác.
“Việc giám sát bằng camera trên các xe ô tô khách sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm của xe khách. Camera trên xe khách tương tự như là một thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm. Đặc biệt, đây cũng là công cụ hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm”, Thiếu tá Đào Việt Long cho biết.
Có thể nói, việc lắp camera trên ôtô được thực thi, không chỉ đáp ứng việc theo dõi và quản lý, tổ chức giao thông sát sao trong từng giờ, từng phút, bất kể ngày đêm mà còn góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm cũng như nguy cơ tai nạn giao thông. Góp phần xây dựng hình ảnh giao thông Thủ đô an toàn, văn minh và hiện đại trong mắt nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.
Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị GSHT đối với lái xe và doanh nghiệp.
Đối với lái xe, Nghị định quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.
Link nội dung: https://saigondaily.vn/lap-camera-tren-o-to-giup-doanh-nghiep-va-csgt-giam-ap-luc-quan-ly-a4679.html