Các lĩnh vực được xác định theo dõi trọng tâm, liên ngành năm 2021 bao gồm theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Phạm vi theo dõi là việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất.
Đối tượng theo dõi là các bộ, ngành và địa phương trên phạm vi cả nước. Tiếp theo, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Phạm vi theo dõi là việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đối tượng theo dõi là các bộ, ngành và địa phương trên phạm vi cả nước.
Lĩnh vực trọng tâm tiếp theo là theo dõi tình hình thi hành pháp luật phòng cháy và chữa cháy. Phạm vi theo dõi là việc thi hành pháp luật về các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy. Đối tượng theo dõi là các bộ, ngành và địa phương trên phạm vi cả nước.
Theo Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp, các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bao gồm: Ban hành kế hoạch; Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện;
Tổ chức thu thập, xử lý thông tin; Kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; Tổ chức Hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục đích và yêu cầu trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2021. Theo đó, mục đích nhằm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ và các cơ quan liên quan được Quốc hội giao tại mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên phạm vi cả nước để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện đầy đủ nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công việc được giao; Bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, quyết định quy định, trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có trách nhiệm: Kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương;
Bố trí cán bộ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả, đúng pháp luật;
Công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc bí mật công tác, bí mật nhà nước;
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch;Tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trong Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2021 của bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 10/12/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đức Anh
Link nội dung: https://saigondaily.vn/trong-tam-2021-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-bao-ve-moi-truong-quyen-su-dung-dat-a455.html