4 nhóm giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

Ngày 9/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

ho-tro-dn-1631421646.png
Ảnh minh họa

 

Mục tiêu của Nghị quyết là đến hết năm 2021 phấn đấu luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, hàng đầu là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động…

Bên cạnh đó, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi. Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực ĐBSCL. Các địa phương hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Bộ VH-TT và DL chủ trì việc sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9.

Nhóm giải pháp thứ tư, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH trong tháng 9 chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm. Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9…

Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng và giá trị “tâm - tài - trí - tín” của đội ngũ doanh nhân tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

PV

Link nội dung: https://saigondaily.vn/4-nhom-giai-phap-cua-chinh-phu-ho-tro-doanh-nghiep-trong-boi-canh-dich-covid-19-a4500.html