“Những năm tháng không thể nào quên” là cuốn hồi ký đầy cảm động của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trong những thời khắc đặc biệt quan trọng được ông nhắc đến với nhiều ấn tượng chính là hình ảnh của ngày Tết độc lập 2-9-1945. Trong đó có những lời viết có thể coi như lời nhắn gửi của ông cho các thế hệ mai sau: “Độc lập tự do đã đến với mỗi người dân. Mỗi người đã thấy được giá trị thiêng liêng của nó, thấy trách nhiệm phải bảo vệ. Vô vàn khó khăn còn ở trước mắt.”
Quốc khánh của Lời thề Độc lập
Tôi nhớ một ngày mùa thu tháng 8 của 2 năm về trước, tháng 8 năm 2019. Tôi hẹn gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư – Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông tiếp tôi tại nhà riêng. Vị tướng già đã đi qua tất thảy những thời khắc quan trọng trong lịch sử của dân tộc và đất nước đón tôi bằng nụ cười hồn hậu. Trong ánh nắng cuối chiều, tôi ngồi trò chuyện cùng ông trong khu vườn nhỏ phía sau nhà.
Chỉn chu trong bộ quân phục, Trung tướng Phạm Hồng Cư say sưa kể với tôi về những tháng ngày quân ngũ, về lý tưởng chiến đấu, về những kỉ niệm chiến trường... Tôi bị cuốn theo câu chuyện một cách nhanh chóng và vẫn không ngừng tự hỏi: "Điều gì khiến ông có thể nhớ chi tiết và nói một cách đầy cảm xúc đến vậy về những sự kiện cách đây đã gần 80 năm?" Câu chuyện lần đầu tiên gặp Bác Hồ của ông làm tôi xúc động, ông kể gần như sắp khóc, giọng nói có những lúc nghẹn lại:
“Có thể nói ngày 2/9/1945 nó là ngày lịch sử mà đã đi vào ký ức của chúng tôi mà đến bây giờ nhắm mắt lại vẫn còn tưởng tượng mới như ngày nào. Chúng tôi đứng gần lễ đài thì thấy xe đi đầu có một ông cụ vận bộ quần áo kaki giản dị trong khi mọi người khác đều vận compelt. Cho đến khi giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thì trong tiếng nói của người có âm sắc Nghệ An. Lúc đó đồng chí Hoàng Phương là cấp trên của tôi mới vỗ vai tôi nói: “Cậu biết không ông cụ là Nguyễn Ái Quốc”. Trời ơi có thể nói là sung sướng vô cùng vì lần đầu tiên tôi được gặp và biết Người đã về."
Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhắc lại kỉ niệm lần đầu gặp Bác |
Tôi hiểu, đó không đơn giản chỉ là kỉ niệm của một thời mà đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên với cả một đời người, cả một dân tộc. Nghẹn lại một lúc khi nhớ về Bác, Trung tướng Phạm Hồng Cư lại say sưa với những dòng kí ức còn tôi say sưa nghe từng lời của ông, mà cảm thấy như mình đang được trải nghiệm phần nào sự xúc cảm ấy:
“Sau khi Bác đọc tuyên ngôn độc lập thì có cái lễ thề độc lập. Ôi thiêng liêng lắm. Tôi phải nói là không khí nghiêm trang và cứ giơ tay thề nước mắt lại trao ra, cứ “Xin thề!” là nước mắt lại trào ra. Vì sao? Là vì vốn là một người dân nô lệ thế mà hôm nay lại trở thành người dân của nước độc lập đó là cái điều sung sướng mà các thế hệ sau không hiểu được. Chỉ những ai đã trải qua tháng ngày nô lệ và được tham dự buổi lễ đó mới hiểu được. Chúng tôi từ ấy, mang lời thề đó trong trái tim của mình đi vào 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày 30/4/1975, thì ngày ấy tôi tự hào rằng thế hệ chúng tôi – thế hệ lời thề độc lập đã hoàn thành và làm trọn nhiệm vụ với Tổ quốc.”
Lời thề Độc lập trong ngày Quốc khánh luôn theo Trung tướng Phạm Hồng Cư đến cuối cuộc đời |
Và ông đã hoàn thành trọn vẹn Lời thề Độc lập với Bác, với Tổ quốc, thanh thản từ biệt chúng ta vào một ngày đầu Xuân 2021. Hôm nay khi mùa thu tràn về trên những con phố vắng của Hà Nội tôi lại nhớ về buổi chiều mùa thu 2 năm trước được ngồi trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư trong khu vườn nhỏ sau nhà ông. Hoá ra đó cũng là những năm tháng không thể nào quên của một người trẻ như tôi, để được hiểu hơn về quá khứ, để biết trân trọng và cố gắng hơn ở hiện tại và tin ở tương lai.
2/9/1945 – 2/9/2021: Từ đoàn kết chống giặc đến đoàn kết chống dịch
Từ trong những cơn lam lũ của lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải thử thách qua những biến động nhức nhối nhất. Song qua đó luôn thể hiện mình là một dân tộc sáng tạo, anh hùng. Niềm tự hào về hào khí dân tộc ấy chính là chỗ dựa tinh thần của mỗi thành viên trong cộng đồng, là chất kết dính nhiệm màu của những con người cùng chung xứ sở, nòi giống. Từ đó, một nền văn hóa đặc sắc mà “lòng yêu nước” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bề dày lịch sử đã được hình thành và phát triển rực rỡ; trở thành nguồn nước tưới cho những giá trị tinh thần khác đơm hoa kết trái.
Ý thức dân tộc và niềm tự hào dân tộc đã từng cháy lên dữ dội trong mỗi trái tim Việt Nam qua mỗi cuộc chiến tranh giữ nước. Nó cháy lên từ vó ngựa sắt cho chàng phù đổng Thánh Gióng, từ bàn tay bóp nát quả cam của Trần Quốc Toản, từ những bước chân thần tốc, oai phong của đoàn quân áo vải Tây Sơn… Rồi cháy lên cả trong bước chân nữ nhi của bà Trưng bà Triệu, cháy lên trong giọt lệ của Huyền Trân công chúa khi xuống thuyền sang xứ người làm dâu để đổi lấy bình yên bờ cõi nước Nam. Nó cháy lên mạnh mẽ dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và Bác, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy làm nên cuộc cách mạng tháng 8 vĩ đại, tạo bước ngoặt lớn của lịch sử nước nhà để rồi nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên:
“Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín,
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình.
Muôn triệu tim chờ chim cũng nín,
Bỗng vang lên câu hát ân tình:
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây…”
(Theo chân Bác – Tố Hữu)
Có lẽ là những vần thơ không phải được viết ra mà được bật ra từ đáy lòng thổn thức của tác giả, và cũng bởi ngày Tết độc lập vẫn là một trong những thời khắc đẹp nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời khắc ấy không chỉ ghi dấu ấn lịch sử mà còn mở ra biết bao chương mới cho sự phát triển của Việt Nam sau này.
Tôi có may mắn được trò chuyện với con gái của nhà thơ Tố Hữu giữa những ngày tháng đầy biến động. Bà Nguyễn Minh Hồng – con gái út của nhà thơ Tố Hữu cùng cả gia đình sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi tôi hỏi bà về ngày 2/9 về những kỉ niệm cũ mới, về Thành phố Hồ Chí Minh trong thời khắc không thể nào quên này, bà không giấu nổi cảm xúc của mình:
“Chả có nơi nào như đất nước này, dân tộc này, tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái, tình người bao dung đến vậy. Nhân sinh quan “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” của dân tộc ta đã đi suốt hàng nhiều thế kỷ để có được Việt Nam hôm nay. Đức hy sinh của những con người bình dị như mẹ Suốt, mẹ Tơm… trong chiến tranh thì bây giờ là những y bác sỹ, những tình nguyện viên tham gia chở người bệnh, những bếp cơm từ thiện, những nhóm thiện nguyện trong trận chiến không tiếng súng này. Sức mạnh ấy sẽ đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn để vươn lên.”
Bà Nguyễn Minh Hồng - con gái nhà thơ Tố Hữu |
Hôm nay trong bối cảnh mới của đất nước, một mùa thu chưa từng có trong tiền lệ khi cả nước cùng nhau chống dịch, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, chất kết dính nhiệm màu của 2 chữ “đồng bào” lại tiếp tục cháy lên và sáng lên như bao đời nay vẫn vậy. Có lẽ không phải kể thêm ra đây những sự hy sinh lớn lao của tuyến đầu chống dịch, cũng chẳng cần kể thêm những bữa cơm từ thiện, những siêu thị không đồng, những chuyến xe chở bệnh nhân… những sự chung tay góp sức của tất cả “quốc dân đồng bào” – như Bác vẫn nói - khi đất nước mình có biến cố. Chúng ta đã và đang cùng nhau đoàn kết, chúng ta đã và đang cùng nhau sẻ chia, chúng ta đang chống dịch và chắc chắn sẽ vượt qua dịch bệnh.
Ngày 2/9 của hơn 70 năm trước là tinh thần đoàn kết chống giặc cứu nước còn 2/9 hôm nay là tinh thần đoàn kết để chống dịch.
“Quốc khánh là một ngày mùa thu thật đẹp của đất nước mình con ạ”
Những ngày Hà Nội vào thu dễ làm con người ta mang nhiều tâm trạng. Tôi nhìn thành phố phồn hoa vắng vẻ giữa lệnh giãn cách xã hội mà không khỏi chạnh lòng. Tôi gọi điện hỏi thăm những người bạn phương nam, giữa tâm dịch. Bạn tôi – Nguyễn Đức Tú, một đạo diễn gốc Hà Nội nhưng đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm sinh quán của mình. Tú tư lự nhớ về Hà Nội về mùa cốm non, về nắng vàng về những ngày mùa thu trời trong và xanh. Con người ta vốn cần phải thế, giữa những lúc khó khăn hay nhớ về những điều tốt đẹp để cố gắng và lạc quan, quan trọng hơn để tìm cho mình một điểm tựa tinh thần cho bớt chênh chao.
Tôi hỏi Tú: “Ngày quốc khánh trong cậu là gì?”. Tú không nói, trầm tư. Biết định nghĩa thế nào nhỉ khi chúng tôi, thế hệ 8X đời đầu sinh ra trong hoà bình, hưởng biết bao sự tốt đẹp hơn các thế hệ trước, cảm xúc về ngày 2/9 có lẽ sẽ không thể giống như cha ông. Rồi Tú bảo tôi: “Hẹn cậu tôi trả lời sau nhé”. Bạn tôi dập máy, nhưng lại nhắn cho tôi một tin nhắn dài, một tin nhắn có lẽ tôi không nên biên tập hay chỉnh sửa gì thêm bởi nó đã quá đủ đầy để nói về những năm tháng không thể nào quên của chúng tôi:
“Là người lớn thì tôi tự hào về ngày Quốc khánh chứ, khai sinh ra đất nước tôi bây giờ với đầy đủ đường biên giới, đất đai, sông hồ và biển cả mênh mông. Nhưng khái niệm về một quốc gia hay tinh thần dân tộc của bản thân tôi, có lẽ lại là những thứ nhỏ bé thân thương dường như không quan trọng lắm như nắng vàng, như cốm non như bầu trời xanh trong, như nụ cười của mẹ… Kì lạ nhỉ, nhưng thôi cái cách mà trí não lưu giữ kí ức thì làm sao mà ta bắt bẻ nó được. Và có lẽ buồn nhất là phần lớn tụi trẻ con chẳng biết gì ngoài học online giữa thời dịch bệnh và gắn cuộc sống của chúng với những thể loại màn hình từ to tới nhỏ.
Nhưng, nếu con tôi có vô tình hỏi Quốc khánh là gì hả bố? Tôi sẽ nói với các con rằng: Quốc khánh là một ngày mùa thu thật là đẹp của nước mình con ạ.”
Đạo diễn Nguyễn Đức Tú cùng các con - ảnh chụp thời điểm chưa thực hiện lệnh giãn cách xã hội. |
Cũng như Tú, tôi mong con mình sẽ được đón nhiều ngày mùa thu tuyệt đẹp của đất nước để các con được cảm nhận, trân trọng và yêu hơn những giá trị mà hôm nay mình được hưởng. Nhưng gần nhất có lẽ chúng tôi đều mong ngày 2/9/2022, các con sẽ lại được háo hức chuẩn bị cho năm học mới. Mọi nhịp sống sẽ trở lại bình thường như nó vốn có để thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay, các con chúng tôi sau này sẽ lại cùng đất nước viết tiếp những năm tháng không thể nào quên trong hành trình dài của KHÁT VỌNG VIỆT NAM.
Vũ Thu
Link nội dung: https://saigondaily.vn/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-a3802.html