Trong thời kỳ 2021 - 2030, việc xác định phát triển bao nhiêu khu công nghiệp trên địa bàn cả nước được xem là một định hướng, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ TN&MT xây dựng cũng đang rất cân nhắc đến những vấn đề nói trên để đưa vào quy hoạch.
Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030, sẽ dành khoảng 205,80 nghìn ha làm khu công nghiệp, (trong đó, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,...), tăng 115,00 nghìn ha so với năm 2020 (kể cả diện tích 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).
Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15,17 nghìn ha (58 khu công nghiệp), tăng 9,97 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 khu công nghiệp), tăng 32,26 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước;
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 47,93 nghìn ha (111 khu công nghiệp), tăng 30,83 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 23,29% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Tây Nguyên 3,73 nghìn ha (17 khu công nghiệp), tăng 2,18 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 1,81% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đông Nam Bộ 59,01 nghìn ha (127 khu công nghiệp), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 28,67% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 27,74 nghìn ha (103 khu công nghiệp), tăng 14,98 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 13,48% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.
Theo Dự thảo, đến năm 2030 cả nước sẽ có 205,80 nghìn ha đất khu công nghiệp |
Theo Dự thảo, việc hình thành các khu công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí như:
Thứ nhất, phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính. Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.
Thứ hai, hình thành hệ thống khu công nghiệp nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống các khu công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.
Thứ ba, tiến tới cân bằng trong phát triển khu công nghiệp để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định hoặc bám sát trục đường giao thông huyết mạch. Giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những khu công nghiệp không triển khai, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế bổ sung quy hoạch khu công nghiệp trên đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng sản xuất, đất tập trung dân cư và chưa có trong quy hoạch sử dụng đất. Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.
Thứ tư, có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp; riêng đối với các địa phương thuần tuý đất nông nghiệp khi phát triển các khu công nghiệp thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần tiến hành phân kỳ đầu tư chặt chẽ nhằm đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả.
Thứ năm, có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc phát triển khu công nghiệp cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.
Thứ sáu, đối với các địa phương đã phát triển khu công nghiệp, việc điều chỉnh, bổ sung thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp hiện có đã được cho thuê ít nhất là 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung, đồng thời phải luận chứng rõ được sự cần thiết, tính khả thi, đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước đã tính tới yếu tố lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Sau khi được Quốc hội phê duyệt, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí nêu trong Dự thảo, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi thực hiện tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 60%.
Trường Giang