Trong tháng 6, chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 108,3 điểm, giảm 2,1% so với tháng trước (tại 2002 - 2004 là 100 điểm) và giảm 5,3% so với cùng kỳ 2020. Giá gạo thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua, do chi phí vận tải cao và thiếu container làm hạn chế xuất khẩu.
Tại Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có tác động tiêu cực tới thị trường gạo. Cụ thể, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh miền Nam khiến hoạt động giao dịch gạo diễn ra cực kỳ khó khăn, chưa kể đến tình trạng đóng băng toàn bộ chuỗi giá trị khi chỉ một ca nhiễm COVID-19 được phát hiện trong nhà máy. Các thương lái ngành gạo đang đối diện với những khó khăn chồng chất cho lệnh giãn cách xã hội, đặc biệt ở khâu bốc dỡ hàng hóa, gây ra vấn đề nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo giảm mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, cả nước xuất khẩu 436.140 tấn gạo, tương đương 241,61 triệu USD, giá trung bình 554 USD/tấn, giảm mạnh 30,4% về lượng và giảm 28,7% về kim ngạch so với tháng 5/2021 nhưng tăng nhẹ 2,4% về giá.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,03 triệu tấn (giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2020), thu về gần 1,65 tỷ USD (giảm 4%), giá trung bình đạt 544,4 USD/tấn (tăng 11,7%).
Tháng 6, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 5, trong đó xuất khẩu sang Philippines giảm mạnh gần 35% cả về lượng và kim ngạch; Bờ Biển Ngà giảm mạnh 92% cả về lượng và kim ngạch; Malaysia giảm 37,6% về lượng và giảm 39% kim ngạch,…
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 1,09 triệu tấn, tương đương 579,83 triệu USD, giá trung bình 530,5 USD/tấn. Tuy nhiên, nó đã giảm 20,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2020.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Thứ nhất là do Philippines chủ động giảm nhập khẩu gạo khi vụ thu hoạch năm nay được mùa, dự kiến tổng sản lượng gạo nội địa năm 2021 của Philippines sẽ đạt 12,4 triệu tấn, tăng 4%. Nguyên nhân thứ hai là không có đủ container đóng hàng để xuất khẩu.
Ngược lại, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc, Ghana, Singapore, Bangladesh… ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, Bangladesh từ nước tự cung tự cấp gạo đã phải chuyển sang nhập khẩu gạo với số lượng lớn khi vụ mùa năm trước bị tàn phá bởi những trận lũ lớn.
Cụ thể, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 580.942 tấn, tương đương 308,68 triệu USD, tăng 26,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt 327.551 tấn, tương đương 191,3 triệu USD, giá 584 USD/tấn, tăng 32% về lượng so với cùng kỳ.
Giá gạo trong nước giảm do vào vụ thu hoạch
Trong tháng 6, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay, nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè thu.
Đối với giá gạo trong nước, nguồn cung nội địa tiếp tục tăng khi nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ Hè thu. Giá gạo NL IR 504 mới tăng lên mức 7.700 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 8.500 đồng/kg. Giá tấm 7.300 đồng/kg và cám vàng 7.550 đồng/kg.
Riêng tại thị trường An Giang tại ngày 30/6, giá lúa nếp vỏ tươi giảm mạnh 600 đồng/kg xuống 4.200 - 4.300 đồng/kg.
Giá gạo thường 11.000 - 12.000 đồng/kg; Gạo sóc Thái 17.000 đồng/kg; Gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 17.000 đồng/kg.
Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo
Trong báo cáo đầu tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao.
Theo USDA, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines với mức tăng 13%, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,1%.
Trung Quốc vẫn sẽ là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.
USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020. Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.
Về dự báo giá gạo trong thời gian tới, FAO cho rằng chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 12% lên mức kỷ lục do giá hàng hóa và nhu cầu tăng cao trước tác động của dịch COVID-19.
Kim ngạch nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt 1.715 tỷ USD trong năm nay, so với mức 1.530 tỷ USD của năm ngoái.
“Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu hoạt động thương mại gạo toàn cầu, tuy nhiên Campuchia và Myanmar được đánh giá sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo toàn cầu”, FAO và OEDC đưa ra nhận định. “Tuy nhiên, nhóm năm nhà xuất khẩu gạo lớn nhất sẽ mất thị phần vào tay các nước thuộc nhóm nước kém phát triển ở châu Á, đặc biệt là Campuchia và Myanmar, do các nước này đang dần trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế”.
Các chuyên gia cho biết, thương mại gạo quốc tế 10 năm qua đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 1,5% mỗi năm. Và dự kiến, tăng trưởng thương mại gạo sẽ tăng lên khoảng 2,6% hàng năm trong thập kỷ tới, tương đương 16 triệu tấn và đạt con số 62 triệu tấn vào năm 2030.
Thùy Linh
Link nội dung: https://saigondaily.vn/xuat-khau-gao-giam-manh-do-tinh-hinh-dich-benh-phuc-tap-a3235.html