Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 là 55.769 doanh nghiệp, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 2.278.416 tỷ đồng (tăng 65.7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.303.327 tỷ đồng (tăng 133.6% so với cùng kỳ năm 2020).
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm tăng 6.7% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2021.
Về hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2.35 tỷ. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,… Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất tốt.
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canada duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4.35 tỷ USD (tăng 11.9%); xuất khẩu sang Mexico đạt 3.17 tỷ USD (tăng 12.2%),…
Các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13.7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25.6%, Mexico tăng 12.7%, New Zealand tăng 35.1%,...
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22.1% trong 3 tháng đầu năm nay. Việc tận dụng tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọn thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Viễn thông tăng trưởng, vận tải hàng không thua lỗ nặng nề
Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%) càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo kết quả của một số cuộc khảo sát trong năm 2020 cho thấy: 81% doanh nghiệp được khảo sát gặp phải khó khăn do không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% gặp khó khăn trong việc đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% gặp khó khăn về trả lãi vay ngân hàng (cả gốc và lãi); 45% gặp khó khăn trong việc chi trả tiền điện, nước và nhiên liệu đầu vào; 42 % gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị.
Theo khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đối với 10.200 DN trên toàn quốc cũng cho thấy đại dịch COVID-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, có 87.2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”; 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Bên cạnh đó, số người mất việc làm tại các doanh nghiệp thuộc tư nhân cũng rất đáng kể. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32.1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bảo gồm cả người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với dịch COVID-19 với 71.6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64.7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26.4%.
Du lịch và hàng không là 2 trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì có 60 – 90% nhân sự nghỉ không lương. Các doanh nghiệp này đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa để duy trì việc làm cho bộ phận nhân sự chủ chốt.
Thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh từ 34.5% - 65.9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.
Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021, nếu như tình hình COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn. Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Đối với các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet, mặc dù năm 2020 đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo hoạt động của các hãng này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Trong đó, Vietjet ước tính thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Điểm sáng của nền kinh tế nửa đầu năm 2021 đến từ ngành công nghệ thông tin, viễn thông. Mặc dù ngành cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng tác động không quá nặng nề so với các ngành khác. Nhìn chung doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông năm 2020 tăng nhẹ (khoảng 2 - 4 %) so với năm 2019.
Cá biệt, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin tận dụng cơ hội mang lại từ việc áp dụng kinh tế số, công nghệ 4.0 nên đã có tăng trưởng cao so với năm 2019.
Linh Linh