Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ thông điệp về xây dựng văn hóa sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên |
Chính vì vậy, năm nay, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” và chủ đề của Ngày Đại dương thế giới là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Năm 2021 cũng được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của LHQ về Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững – một mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới năm nay có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) cách đây ít ngày với thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp – Vì thiên nhiên” do Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phát động. Điều này cho thấy sự thống nhất của các chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động. “Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đã xây dựng và gửi văn bản hướng dẫn đến các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động thiết thực, ứng dụng công nghệ, tuyên truyền toàn diện các thông tin về Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới để chúng ta thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Thông tin về những nhiệm vụ đã triển khai để bảo vệ đại dương và phát triển bền vững kinh tế biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26 của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên; cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tiềm năng lợi thế của biển tạo động lực phát triển kinh tế đất nước bền vững.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ TN&MT đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động, như xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể quản lý tài nguyên vùng bờ để quản lý, sử dụng phục hồi các hệ sinh thái biển, kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất chiến lược phát triển kinh tế biển ở các địa phương có biển do chủ tịch UBND cấp tỉnh đứng đầu thực hiện.
Bộ TN&MT cũng khẩn trương xây dựng ban hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết 26, nghiên cứu lồng ghép nội dung của Nghị quyết 26 vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 của các địa phương có biển; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển.
“Đặc biệt, Việt Nam là một trong các quốc gia đi đầu trong hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, chúng ta đã sớm ban hành kế hoạch quốc gia về chống rác thải nhựa đại dương và hành động có hiệu quả”, Bộ trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra các sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải tăng cường quyết tâm chính trị để thúc đẩy phục hồi hệ sinh thái ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương; phục hồi hệ sinh thái, trong đó huy động các nguồn lực tài trợ từ cộng đồng và xã hội cho bảo vệ, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Bộ trưởng cũng chia sẻ về các giải pháp để phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trưởng biển, như xây dựng và thực hiện các chính sách và kế hoạch ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái phù hợp với luật pháp và ưu tiên quốc gia; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp, ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hồi các hệ sinh thái.
Đồng thời, tăng cương năng lực hợp tác trong việc triển khai các sáng kiến nhằm phục hồi hiệu quả hệ sinh thái như: Chương trình “1 tỷ cây xanh” do Chính phủ phát động; triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng, biển, đại dương; kiểm soát hoạt động đánh bắt thủy hải sản; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng.
“Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên, thay đổi hành vi, nếp sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế sử dụng sản phẩm từ bằng nhựa”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cùng với đó, huy động các nguồn lực Nhà nước, xã hội đầu tư vào nghiên cứu phục hồi bảo vệ hệ sinh thái, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững giá trị mang lại của các hệ sinh thái, cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người.
Link nội dung: https://saigondaily.vn/doan-ket-de-hoi-sinh-cac-he-sinh-thai-a1782.html