Ảnh minh họa |
Bộ TN&MT cho biết, tính đến tháng 12/2020, Bộ có 86 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Trong đó 14 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, 48 đơn vị sự nghiệp thuộc các tổng cục, 22 đơn vị sự nghiệp thuộc các cục trực thuộc Bộ, 2 đơn vị sự nghiệp thuộc các cục trực thuộc Tổng cục (chia theo các nguồn sự nghiệp thì có 8 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, 3 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, 4 đơn vị sự nghiệp thông tin và truyền thông, 1 đơn vị sự nghiệp y tế, 71 đơn vị sự nghiệp khác).
Đối với các Sở TN&MT, trung bình mỗi sở có từ 3 đến 5 đơn vị sự nghiệp, như: Trung tâm công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường được tổ chức tại 54/63 sở, trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường (hoặc tên gọi khác) được tổ chức tại 39/63 sở, trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường được tổ chức tại 57/63 sở, văn phòng đăng ký đất đai được thành lập tại 59/63 tỉnh, thành phố, trung tâm phát triển quỹ đất được thành lập tại 49/63 tỉnh, thành phố.
Trước đây, việc thành lập, giải thể và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 55/2012/NĐ-CP quy định: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có một số quy định mới về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (không còn hình thức thông tư liên tịch); do đó, việc hướng dẫn thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc UBND tỉnh thuộc trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Theo đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định trình tự, thủ tục, thành lập, tổ chức lại, giải thể và điều kiện tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành, lĩnh vực đó. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, Bộ TN&MT chưa xây dựng quy định cụ thể về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp ngành tài nguyên và môi trường.
Ngày 7/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2020 và thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ tổ chức bộ máy và Hội đồng quản lý quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập). Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trách nhiệm của bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực:“Ban hành tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền”. Do vậy, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực tài nguyên và môi trường là cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị thực hiện việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại dự thảo, Bộ TN&MT đề xuất điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập là đáp ứng điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Điều kiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập được đề xuất như sau: Đơn vị sự nghiệp công lập bị sáp nhập khi không đáp ứng một trong các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.
Đơn vị sự nghiệp công lập nhận sáp nhập đáp ứng điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được bổ sung thêm từ đơn vị bị sáp nhập hoặc có lĩnh vực hoạt động tương đồng với đơn vị bị sáp nhập; có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các tổ chức bị sáp nhập; có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp kiện toàn đơn vị bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập, theo dự thảo, đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính cao nhất của các tổ chức thực hiện sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập. Trường hợp thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Theo dự thảo, việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện sau: Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp bị sáp nhập, bị hợp nhất theo quy định; 3 năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; bị giải thể theo quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại mục đ khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Dự thảo nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi phương án bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn
Link nội dung: https://saigondaily.vn/dieu-kien-thanh-lap-giai-the-don-vi-su-nghiep-cong-lap-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-a1718.html